Nhà đầu tư có thể hướng nhiều hơn đến việc "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn
(DNTO) - Trong phiên giao dịch hôm nay (17/11), áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.470 – 1.475 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.460 – 1.465 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.450 – 1.455 điểm.
Thị trường có thể cần test lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong phiên 16/11 với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11, VN-Index giảm 10,12 điểm (-0,69%) xuống 1.466,45 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 191 mã tăng, 40 mã tham chiếu, 307 mã giảm. HNX-Index tăng 7,97 điểm (+1,79%) lên 452,25 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là trung tính với 132 mã tăng, 29 mã tham chiếu, 162 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn xấp xỉ so với trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 1.349 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 36.352 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng chịu áp lực chốt lời khiến nhiều mã giảm mạnh, thậm chí giảm sàn như: LDG (-6,8%), HU3 (-6,6%)... Nhóm FLC (-2,7%) cũng bị bán mạnh và HAI (-6,9%), KLF (-9%), AMD (-7%) đóng cửa giảm sàn.
Ngược lại, HBC (+6,8%), LGL (+6,8%), CEO (+9,6%), QCG (+6,8%)... tăng trần trong phiên hôm nay. Nhóm chứng khoán cũng chịu áp lực chốt lời khiến nhiều mã giảm như: SSI (-2,3%), VND (-1%), VIX (-2,3%), FTS (-3,3%), VCI (-1,9%), BVS (-1,7%), BSI (-2,1%), HCM (-1,3%)… Nhóm ngân hàng giao dịch khá tích cực trong phiên sáng nhưng đến phiên chiều cũng suy yếu, chỉ còn MBB (+0,2%), STB (+0,4%), LPB (+1,3%) là tăng. Các cổ phiếu thép cũng chịu áp lực bán mạnh với hàng loạt mã giảm sâu như: HPG (-3%), HSG (-1,4%), NKG (1,6%), POM (-0,6%), VGS (-2,9%), TVN (-1,5%), TLH (-1,3%)… Ở chiều ngược lại, nhóm bảo hiểm có phiên giao dịch khởi sắc với các cổ phiếu như: BVH (+3%), PVI (+2%), MIG (+3,2%), PGI (+0,2%), BMI (+5,4%) đều đóng cửa trong sắc xanh.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, tuy giảm trong phiên 16/11 nhưng VN-Index vẫn kết phiên trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm nên khả năng tiếp tục đi lên để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm là vẫn còn. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì thị trường có thể cần test lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 17/11, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu có những nhịp test lại hỗ trợ kể trên”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.460 – 1.465 điểm
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 16/11 VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 2 sau cây nến ‘Hanging man’ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày và MA5 ngày), kèm thanh khoản ở mức rất cao, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn có thể trở nên tiêu cực hơn nếu vùng hỗ trợ gần 1.460 – 1.465 điểm bị phá vỡ.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 17/11, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.470 – 1.475 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.460 – 1.465 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.450 – 1.455 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trên thị trường, nhà đầu tư tiếp tục có xu hướng chuyển hướng đầu tư ra các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi VN-Index vẫn gặp khó khăn khi tiến gần hơn đến ngưỡng 1.480 điểm. Ở chiều ngược lại, lực mua ròng của khối ngoại là một tín hiệu đáng chú ý, dù chỉ xuất hiên ở một vài cổ phiếu đơn lẻ.
“Bối cảnh thị trường thúc đẩy sự phân hóa giữa các cổ phiếu, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng rất mạnh mà không đi cùng sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhà đầu tư chỉ có thể hướng nhiều hơn đến việc "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn trong giai đoạn này, đồng thời, giữ lại một phần sức mua để hạn chế rủi ro cũng như có thể sẵn sàng bắt đáy trong những nhịp rung lắc trong phiên hoặc thậm chí nếu thị trường xuất hiện những phiên giảm sâu. Các nhóm ngành đáng chú ý trong những phiên gần đây là bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và dầu khí”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.