TS. Nguyễn Trí Hiếu: Rủi ro cao cho nhà đầu tư muốn 'lướt sóng' vàng vào thời điểm này
(DNTO) - Sau một thời gian dài “ngủ đông”, sự “phi mã” của giá vàng khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn có nên lướt sóng vàng trong thời điểm này? Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới đang chênh lệch rất lớn, nếu lúc này nhà đầu tư “xuống tiền” rất dễ nhận "trái đắng".
Giá vàng trong nước sẽ tiếp tục lập đỉnh?
Khảo sát cho thấy, giao dịch lúc 8g hôm nay (13 /11), giá vàng trong nước tiếp tục "nổi sóng", phá vỡ ngưỡng cự 60 triệu đồng/lượng khi tiến sát mức 61 triệu đồng/lượng, mức tăng từ 700.000-800.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 60,05-60,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 750.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 60-60,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng 700.000 đồng/lượng.
Như vậy, từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước liên tục đi lên, tăng tới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức rất cao, lên tới trên 9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng đang làm nên "cuộc cách mạng" quan trọng, phá vỡ xu hướng giảm hiện tại. Vào 4g45 ngày 13/11 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ngày càng tiến gần hơn với ngưỡng 1.900 USD, hiện đang nhích nhẹ 3 USD so với chốt phiên liền trước, giao dịch tại 1.864,9 USD/ounce. Giá vàng tháng 12 giao dịch ở mức 1.865,80 USD/ounce, tăng gần 2,7% trong tuần.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng, cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới đang có xu hướng tăng, nguyên nhân chủ yếu do triển vọng gia tăng lạm phát chính là tác nhân "châm ngòi" cho đợt tăng giá kim loại quý này.
Cụ thể, ông Hiếu dẫn chứng, Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đặc biệt tại Mỹ, chính phủ tung ra gói hỗ trợ lớn lên đến hơn 5.000 tỷ USD, với một lượng tiền "khủng" như thế đã "thổi bùng" lạm phát lên và đẩy giá trị của đồng đô la xuống, kéo theo giá vàng sẽ bị đẩy lên. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
"Hơn nữa, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại...", ông Hiếu lý giải.
Nhận định về giá vàng trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, theo xu hướng hiện tại, các chính phủ Mỹ và châu Âu vẫn đang tích cực hỗ trợ nền kinh tế của họ, nên sẽ tiếp tục đẩy một lượng tiền vào lưu thông, đồng thời sẽ giữ lãi suất ở những thị trường lớn với mức thấp... nên có thể trong thời gian tới các xu hướng giá vàng tiếp tục tăng là hiện hữu.
"Tôi cho rằng, bên cạnh lạm phát, vấn đề giá xăng dầu cùng giá các nguyên vật liệu, thực phẩm khác đang không ngừng leo thang, khan hiếm nguồn lao động do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lượng hàng hóa đẩy ra ngoài thị trường sẽ rất thiếu hụt. Khi sức cầu tăng lên sau dịch bệnh nhưng nguồn cung lại hạn chế nó sẽ đẩy giá cả lên. Đó cũng là hiện tượng chung trên thế giới, ngay cả khi các chuỗi cung ứng hồi phục thì áp lực tăng giá vẫn tiếp tục và điều này sẽ đẩy giá vàng lên từ đây cho đến cuối năm", ông Hiếu phân tích.
Có nên mua vàng vào thời điểm này?
Chứng kiến sự đi lên như "vũ bão" của vàng, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu có nên mua vào lúc này khi giá liên tiếp lập đỉnh lịch sử hay không? Theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại không phải thời điểm mua đầu cơ vì rủi ro rất lớn, do giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Với mức chênh khủng như hiện nay, rõ ràng giá vàng trong nước đang không có sự liên thông với thị trường thế giới. Nếu lúc này, nhà đầu tư “xuống tiền” rất dễ nhận "trái đắng".
"Chênh lệch giá giữa hai thị trường có thời điểm lên tới 10 đồng/lượng từ nhiều tháng nay. Đây là khoảng cách rất lớn, nếu mua vào, người mua sẽ phải chịu rủi ro lớn, vì khi giá vàng tăng cao rất dễ dẫn đến hiện tượng nhập lậu vàng tăng lên, khiến các thông tin về sức mua trên thị trường vàng “mù mờ”, khiến các nhà đầu tư khó nắm bắt.
Bên cạnh đó, sự biến động của giá vàng trong nước rất lớn, khi nguồn cung trở lại dồi dào sẽ tạo rủi ro cho người mua nếu giá đảo chiều giảm. Hơn nữa, thời gian qua, giá vàng đã neo ở mức cao, nên khả năng tăng chứ không thể tăng mạnh, bứt phá như trước đây", ông Hiếu cho hay.
Cũng theo ông Hiếu, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Vì vậy, các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao và người chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng.
"Người dân cần cân nhắc với "giỏ tài chính" của mình. Nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ nên mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên "bỏ trứng vào một giỏ", nếu có tiền nhàn rỗi chỉ dùng 1/3 để mua vàng, còn lại nên đầu tư vào các kênh khác nhau", ông Hiếu "nhắc nhở".
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, hiện nay, người dân không còn xem vàng là tài sản sinh lời nhanh, bằng chứng là giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua nhưng thị trường không còn cảnh “đổ xô” đi mua bán vàng như trước. Việc đầu tư vàng bây giờ đi vào “thực chất” hơn”, nên có thể thấy, biến động thị trường do những tâm lý về đầu cơ chứ cung cầu thì không thay đổi nhiều.