Kinh tế Việt Nam dần đi vào quỹ đạo phục hồi
(DNTO) - Các công ty chứng khoán vừa phát hành báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 10. Số liệu đưa ra cho thấy nền kinh tế Việt Nam dần đi vào quỹ đạo phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách. Với đà phục hồi ổn định, các công ty kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 sẽ ở mức 2,5 – 3,5%.
Lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp đều phục hồi ổn định sau nới lỏng giãn cách
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành, nêu rõ, hầu hết các dịch vụ không thiết yếu đã được phép mở lại kể từ giữa tháng 10/2021 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhờ đó, ngành dịch vụ đã chứng kiến sự phục hồi ổn định trong tháng 10/2021 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1% so với tháng trước (giảm 19,5% so với cùng kỳ).
Cụ thể hơn, doanh số bán buôn và bán lẻ tăng 14,5% so với tháng trước (giảm 13,5% so với cùng kỳ) do nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhẹ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 47,2% so với tháng trước (giảm 37,0% so với cùng kỳ) trong khi doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 298,9% so với tháng trước (giảm 63,4% so với cùng kỳ) trong bối cảnh một số địa phương đã dần mở cửa ngành du lịch và các dịch vụ không thiết yếu.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,6% so với cùng kỳ (giảm 7,2% cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 và giảm 0,1% trong 10 tháng đầu năm 2020). Nếu loại trừ yếu tố giá, con số này giảm 10,3% so với cùng kỳ (giảm 4,5% trong 10 tháng đầu năm 2020).
Theo kỳ vọng của VNDIRECT, doanh thu ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 11 do Chính phủ có thể nới lỏng thêm các hạn chế đối với các dịch vụ không thiết yếu nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao.
Về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) IHS Markit của Việt Nam trong tháng 10/2021 lần đầu tiên trở lại mức trên 50 điểm kể từ tháng 6/2021, cho thấy sự phục hồi của các hoạt động công nghiệp kể từ tháng 10/2021. Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 của Việt Nam (IIP) tăng 6,9% so với tháng trước (giảm 1,6% so với cùng kỳ), cải thiện từ mức tăng 5,0% so với tháng trước (giảm 5,5% so với cùng kỳ) của tháng 9/2021.
Theo đó, VNDIRECT kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng tốc trong tháng 11 do các trung tâm công nghiệp lớn ở miền Nam, bao gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, sẽ đón dần công nhân từ các tỉnh khác quay trở lại làm việc sau khi làn sóng Covid-19 thứ tư được kiểm soát và hoàn thành tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trên 18 tuổi.
Tại báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy, hoạt động sản xuất cho tín hiệu phục hồi trong tháng 10, thông qua sự cải thiện chỉ số sản xuất công nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 7 khi chỉ giảm -1,6% so với cùng kỳ, so với mức giảm -7,5% trong tháng 9. Mức giảm nhẹ hơn trong tháng 10 chủ yếu do sự cải thiện từ lĩnh vực chế biến chế tạo (tháng 10 chỉ giảm -1,6% so với -6,5% vào tháng 9).
Dẫn đầu sự phục hồi là nhóm may mặc (+10,3% so với -5,3% trong tháng 9), thép (+7,4% so với 6,2%) và đồ điện tử (+1,5% so với -1%). Tuy nhiên, tốc độ phục hồi nhìn chung yếu hơn so với quý 2 năm ngoái do tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực phía Nam.
Mặc dù hầu hết các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất trọng điểm đã hoạt động trở lại, tuy nhiên công suất mới chỉ đạt khoảng 70% so với trước dịch. Chỉ số IIP ở TP.HCM trong tháng 10 vẫn giảm tới -43% (so với mức giảm -52% trong tháng 9) trong đó hầu hết các chỉ số nhóm ngành cấp 2 quan trọng đều giảm mạnh so với cùng kỳ như may mặc (-65,8%), đồ gỗ nội thất (-50,5%) và đồ điện tử (-55%).
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ở mức 2,5 – 3,5%.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Dầu khí PSI cho thấy, 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1.81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016, nguyên nhân từ giá lương thực thực phẩm đang dần ổn định do nguồn cung được đảm bảo.
Từ phân tích của mình, PSI dự báo lạm phát cả năm 2021 cũng sẽ không vượt quá mức 4%, khi đà tăng của giá hàng hóa đã phần nào chững lại, và giá xăng dầu tăng là yếu tố duy nhất thúc đẩy lạm phát trong tháng vừa qua. Đồng thời, Nghị quyết Quốc hội quyết định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4%...
“Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng việc kiểm soát lạm phát vẫn cần được ưu tiên theo dõi vì lạm phát sẽ càng gây áp lực lên dư địa của chính sách tiền tệ, nhất là sau khi NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm 2021, dư địa của chính sách tiền tệ được coi là không còn nhiều”, PSI phân tích.
Cũng theo PSI, mặc dù đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính hỗ trợ tăng trưởng trong quý 4/2021, nhưng trong 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt gần 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, làm gia tăng áp lực giải ngân trong 2 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa phục hồi rõ nét cũng như thu hút vốn FDI. “Tuy nhiên, tiêu dùng và sản xuất đang có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi PMI tháng 10/2021 đạt 52.1 điểm. Như vậy chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ở mức 2,5 – 3,5%”, theo PSI.
Còn theo nhận định của VNDIRECT, một số điểm nghẽn đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức thấp trong quý 4/2021 do thu nhập của người dân sụt giảm khi đại dịch kéo dài, và nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vẫn thiếu hụt lao động.
Ngoài ra, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 có thể cản trở quá trình mở cửa kinh tế. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế, VNDIRECT điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2021 xuống 3,3% so với cùng kỳ từ dự báo 4,0% trước đó, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,0% trong kịch bản cơ sở.