Vì sao khối ngoại bán ròng mạnh?
(DNTO) - Gần đây, thông tin về việc nhà đầu tư ngoại đã không ngừng bán ròng với tổng giá trị hơn 9.900 tỉ đồng trong gần 1 tháng (19/2 đến 15/3), khiến không ít nhà đầu tư trong nước không khỏi lo lắng.
Phân tích về tình trạng này, ông Trần Hoàng Sinh, Giám đốc chiến lược, đầu tư của Công ty Chứng khoán MB, cho hay: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cao nhất, gần đây nhất, thị trường được kích hoạt khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhanh, làm tỉ giá của thị trường khối nội mất giá nhanh, USD có xu hướng tăng cao. Theo đó, để bảo toàn vốn, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra.
Ngoài ra, kinh tế phục hồi, dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, lạm phát tăng cao... đã tác động đến bán ròng. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ “bơm” hơn 3.000 USD khiến chỉ số Dow Jones tăng mạnh. Trung Quốc cũng đang có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, trong xu hướng hiện tại, cung tiền đang có xu hướng giảm, gần đây vỡ nợ trái phiếu của Chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc tăng nhanh đã cho thấy rủi ro tín dụng. Thị trường châu Á sụt giảm 3,8%, và đây là yếu tố tác động ngắn hạn đến xu hướng dòng vốn từ Trung Quốc đến VN. Đến phiên hôm qua 30/3, đà bán ròng vẫn đang duy trì.
“Để níu chân nhà đầu tư, tôi cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng. Vì lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giúp động lực dòng tiền tốt hơn. Điểm nữa, ngoài câu chuyện lợi nhuận, hàng hóa của Việt Nam chưa phong phú, các công ty chứng khoán niêm yết trên rổ VN30 còn ít, và 3-5 năm trở lại đây chưa có công ty vốn hóa lớn, theo đó nhà đầu tư nước ngoài chưa nhìn thấy tiềm năng. Rõ ràng, thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng để hấp dẫn nhà đầu tư thì thanh khoản đủ lớn và sản phẩm cần phải đẩy nhanh hơn nữa”, ông Sinh nói.
Bổ sung thêm về nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong thời gian qua, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Công ty Lưu ký chứng khoán cho biết, thứ nhất, sau khi Chính phủ Mỹ liệt kê Việt Nam có biểu hiện thao túng tiền tệ, nhà đầu tư nước ngoài đã có hành động sớm.
“Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá năm 2021 là năm trở ngại của Việt Nam. Bởi các chính sách “bơm” tiền cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không nhiều, chủ yếu là giãn, hoãn về thuế, có nghĩa anh bắt buộc phải đóng thuế, đến một lúc nào đó anh phải thực thi, khi đó giai đoạn khó khăn trở lại. Và nhà đầu tư nước ngoài đã tiên lượng được vấn đề này nên họ đã rút vốn khỏi thị trường”, ông Sơn phân tích.
Ngoài ra theo ông Sơn, các danh mục của ta không phong phú. Năm nay nhà đầu tư nước ngoài đã xâu chuỗi lại, và bây giờ là thời điểm cơ câu lại danh mục đầu tư. “Khi rút ròng, nhà đầu tư nước ngoài không bán hết. Họ rút trên trạng thái tiền mặt chứ không rút hẳn khỏi thị trường Việt Nam. Khi thị trường điều chỉnh, họ tiên lượng thị trường không thể lên được 1.400 – 1.500, nên họ bán ròng để tìm cơ hội đầu tư mới”, ông Sơn nói thêm.
Tuy nhiên theo ông Sơn: "Nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một tiêu chí để tham khảo chứ chưa phải thành công. Đừng thấy nhà đầu tư nước ngoài bán ra là chúng ta cũng bán và ngừng mua lại".