Dòng 'cổ phiếu vua' ngân hàng sẽ là triển vọng tích cực của năm 2021
(DNTO) - Năm 2021, nhóm ngân hàng tiếp tục là nhóm nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư với những cổ phiếu điển hình: TCB, VPB, VIB, MBB, CTG, BID, ACB, MBB… Các ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 18% năm 2021 này.
Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, tổ chức hôm nay 31/3”, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc phát triển năng lực đầu tư, Công ty Cổ phần chứng khoán VPS, cho biết, thị trường chứng khoán năm 2021 có triển vọng khá tích cực mặc dù thị trường đang trong giai đoạn đi ngang.
Sau khi tiến sát mốc 1.200 điểm, trong tuần cuối tháng 3, thị trường có xu hướng giao dịch đi ngang quanh biên độ 1.190 điểm. Lỗi nghẽn lệnh trên sàn HOSE khi khối lượng giao dịch vượt quá 15 nghìn tỷ đồng cùng với sự đảo chiều, bán mạnh của khối nhà đầu tư ngoại trong 3 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3 với gần 11 nghìn tỷ đồng, là những lực cản khiến tâm lý thị trường trở nên rất thận trọng, không thể vượt qua mức cản 1.200 điểm.
Theo ông Khánh, Việt Nam tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư trong việc kiểm soát biến cố dịch bệnh, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, lao động, các quy định về hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh được gỡ bỏ. Các hoạt động đầu tư được kích hoạt, tạo lợi thế thu hút dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân thực tế trong 2021. EVFTA/EVIPA có hiệu lực, cùng các FTAs khác, sẽ kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021.
Theo đó, hoạt động thương mại dự báo sẽ tiếp tục khả quan. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam sẽ giúp xuất khẩu các mặt hàng máy móc, điện tử mở rộng đà tăng trưởng. Xuất khẩu dệt may, nông lâm thủy sản tiếp tục cải thiện nhờ động lực từ EVFTA, CPTPP và sắp đến là RCEP. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc ở các thị trường quan trọng, gồm Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Nhập khẩu các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất trong nước cải thiện, phát tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất.
VN-Index có thể tiến lến vùng 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021
Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán VPS nhận định, thanh khoản toàn thị trường đang duy trì ở mức cao là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực cũng như các giải pháp giải nghẽn cho HSX cũng phần nào là động lực giúp VN-Index bứt phá. Chỉ báo độ rộng thị trường đang cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu blue chips đang vượt đỉnh mới – điều này phản ánh việc thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới 1.280 – 1.380 điểm trong năm 2021.
“Sau những khó khăn ban đầu do dịch Covid-19 mang lại, các doanh nghiệp có thị trường nội địa đã nhanh chóng phục hồi và thích nghi trong điều kiện mới. Đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2021 so với nền tảng thấp ở quý 1 và quý 2/2020, qua đó thị trường chứng khoán sẽ nhận được tác động tích cực”, ông Khánh nói.
Sau đợt phục hồi nửa cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, hệ số P/E thị trường năm 2021 tăng lên mức 16 lần vào ngày 20/3 vừa qua. Số liệu kinh tế 3 tháng đầu năm khá tích cực, không chỉ đến từ xuất khẩu (tăng 23% so với cùng kỳ) hay sản xuất công nghiệp, mà đặc biệt là tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi loại trừ lạm phát cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Đưa ra khuyến nghị đầu tư năm 2021, ông Khánh cho biết: Tương tự các đợt hồi phục sau tác động từ Covid-19, thị trường chứng khoán tăng lại mạnh trên diện rộng. Bốn nhóm ngành có tăng trưởng 2 con số cao hơn tăng trưởng chung bao gồm: Tài chính (+17,3%), vật liệu (+14,9%), năng lượng (+19,7%) và công nghệ thông tin (+21,4%). Trong đó, nhiều trụ cột quay lại tác động tích cực lên điểm số của VN-Index như: VIC, VHM, TCB, CTG, GAS, VPB, HPG, VCB, GVR, SAB, BID, ACB, PLX, MBB, FPT. Nhóm cổ phiếu VN30 vẫn sẽ thu hút dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư F0.
Ý tưởng đầu tư đến từ nhóm ngành nghề có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 như nhóm ngân hàng, chứng khoán, tài nguyên cơ bản (thép), hóa chất, bất động sản và dầu khí. Mặt khác, chính sách tiền tệ nới lỏng dược dự báo sẽ duy trì ít nhất đến hết quý 2/2021 cũng là động lực giúp kinh tế cũng như nhiều nhóm ngành nghề kết quả kinh doanh tốt so với cùng kỳ năm 2020.
Triển vọng 2021 của dòng “cổ phiếu vua” - ngân hàng
Ông Khánh phân tích, nhóm ngân hàng tiếp tục là nhóm nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư với những cổ phiếu điển hình: TCB, VPB, VIB, MBB, CTG, BID, ACB, MBB…
Các ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 18% năm 2021 này. Triển vọng tích cực này được dự báo đến từ cả hoạt động tín dụng, nhất là các ngân hàng lớn như: VCB, CTG, ACB và HDB, cũng như tiếp tục câu chuyện về doanh thu dịch vụ trong đó đặc biệt là thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn có dự báo lợi nhuận tăng mạnh như VCB (14,9%), BID (41,3%), và CTG (41,9%) trong khi một số ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong năm 2021 này, bao gồm TCB (5,1%), VPB (2,8%) và TPB (6,7%).
Ngoài ra theo ông Khánh, nhóm tài nguyên, công nghệ thông tin, bán lẻ… sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2021. Đặc biệt, ngành bất động sản có triển vọng hồi phục mạnh sau Covid-19 và có dự báo kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2021. Bất động sản khu công nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn như: SZC, KBC, DIG, KSB, NLG, KDH… sẽ được chú ý.