Giá nhà tăng nhưng hiện vẫn là thời điểm 'vàng' để nhà đầu tư 'đón sóng'
(DNTO) - Quý 3, giá căn hộ tại nhiều địa phương vẫn theo đà tăng, như tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng khoảng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thời điểm này vẫn được xem là cơ hội vàng để nhà đầu tư đón sóng bất động sản trong quý 1/2022.
Báo cáo vừa công bố về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 3, cả nước có hơn 9.000 căn hộ được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng, chỉ bằng khoảng 50% so với quý 2. Hơn 11.000 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên với tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 39% so với quý liền trước.
Nguồn cung ít, số lượng hạn chế nhưng giá bất động sản trên thị trường thứ cấp trong tháng 9 về cơ bản vẫn ổn định, giữ mức giá được thiết lập trong quý 2, hoặc có xu hướng tăng nhẹ.
Về phân khúc căn hộ, tại nhiều tỉnh phía Nam, những địa phương chịu nhiều tác động của đợt dịch bệnh lần thứ 4 lại là những địa phương đối mặt với áp lực tăng giá, cụ thể tại TP.HCM tăng 2%, Bình Dương tăng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5%.
Giá nhà ở riêng lẻ vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý 2 hoặc tăng 1-2%. "Tình hình giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến quá trình giao dịch bất động sản trên địa bàn", Bộ Xây dựng cho biết.
Mặc dù đang đứng trước nhiều thách thức nhưng thị trường bất động sản vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực của các chuyên gia. Nhu cầu bất động sản, chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ cộng với sự kiểm soát dịch bệnh hiệu quả tại nhiều địa phương đang được đánh giá là những yếu tố tích cực tác động đến sự phát triển của thị trường.
Ông Trương Trần Thế Vinh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Winhouse, phát biểu trong cuộc hội thảo về bất động sản gần đây cho biết, hiện tại là giai đoạn thích hợp để nhà đầu tư tham gia thị trường.
Lý giải điều này, ông cho biết, thứ nhất, lãi suất ngân hàng đang giảm xuống giúp cho dòng tiền từ ngân hàng đổ vào thị trường. Đặc biệt trong quý 4, lượng kiều hối thường được đổ về nhiều. Chương trình phục hồi kinh tế trị giá 800.000 tỷ của Chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế đang chờ phê duyệt và nếu được thực hiện, chương trình sẽ bơm tiền ra và có thể sẽ làm giá tiền giảm. Do vậy nhiều nhà đầu tư sẽ chọn bất động sản để trú ẩn.
Thứ hai, theo ông Vinh, hiện thị trường đang rơi vào hai điểm "nhạy cảm" là bất động sản sau dịch và bất động sản cuối năm. Việc bị kìm nén cả đi lại và cơ hội đầu tư trong giai đoạn phong tỏa dài ngày sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhanh chóng trở lại thị trường và tích cực săn hàng. Sau dịch bệnh, nhiều người chú trọng nhiều hơn đến nâng cao chất lượng sống, trong đó có môi trường sống. Điều này cũng khiến cho nhu cầu nhà ở tăng lên.
Quý 1/2022, vaccine được dự đoán sẽ phủ toàn diện trên cả nước, dịch bệnh được kiểm soát. Tâm lý của người dân cũng tốt hơn khi đã trải qua đợt dịch lần thứ 4. "Những gì đang xảy ra, theo góc tích cực là bài học cho tương lai chúng ta, chúng ta sẽ không sợ hãi khi phải đối diện với nó, chấp nhận nó khi nó có thể lặp lại", ông Vinh cho biết.
Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người dân tăng lên, thị trường căn hộ lại đối mặt với các vấn đề như chi phí thành phẩm tăng; chi phí bán hàng, marketing tăng và trong khi đó kỳ vọng về lợi nhuận của chủ đầu tư lại không hề giảm.
"Trước đây, nhà đầu tư muốn thoát hàng thì sẽ giảm biên độ lợi nhuận, ví như 40% còn 30% nhưng giá trị sản phẩm không hề giảm. Còn hiện tại sẽ không bao giờ có câu chuyện giảm sâu khi chi phí nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng...", ông Vinh nhấn mạnh.
Đặc biệt, do dịch bệnh, doanh nghiệp giờ phải trích lập quỹ dự phòng nhiều hơn nên càng ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Và theo ông, "hiện tại là thời điểm vàng để đón sóng vào quý 1/2022. Ngay giữa đại dịch con người khủng hoảng nhất mà giá còn không giảm thì giờ nhà đầu tư đừng chờ đợi giảm mà cần tận hưởng".
Nhận định về thị trường Bộ Xây dựng cũng cho biết, từ nay đến cuối năm thị trường sẽ không có sự đột phá do nền kinh tế phía Nam chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên về lâu dài, đây vẫn kênh đầu tư an toàn.
"Nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn", Bộ này nhận định.
Năm yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến giá trị bất động sản Theo ông Lê Minh Hoàng, Quản lý cấp cao bộ phận định giá của Công ty Propzy, cho biết, người mua cần chú ý đến 5 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị căn nhà, bao gồm: 1. Hạ tầng: bao gồm đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống điện… Người mua cần chú ý: mức độ phát triển hạ tầng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị của bất động sản. 2. Quy hoạch sử dụng đất: Người mua cần chọn các bất động sản không nằm trong các dự án quy hoạch treo hay có khả năng bị thu hồi; cần chọn khu vực đất được sử dụng ổn định lâu dài sẽ có giá trị và khả năng tăng giá cao hơn. 3. An ninh, dân trí khu vực: Vấn đề này ngoài ảnh hưởng tới giá trị thì còn ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm cuộc sống nên người mua cần hết sức lưu ý. 4. Yếu tố tiện ích: Nếu nằm gần công viên, siêu thị, trường học, nhà hàng… sẽ giúp giá trị của bất động sản được đẩy lên so với các bất động sản không có tiện ích lân cận. 5. Yếu tố đặc thù làm giảm giá: nghĩa trang, khu xử lý chất thải, cống thoát nước…, nếu không để ý người mua có thể bị vướng vào việc mua hớ bất động sản, trải nghiệm sống không tốt và nếu muốn bán lại sau một thời gian sử dụng cũng sẽ khó bán được giá. |