TS Lê Xuân Nghĩa: 'Nếu so sánh với Evergrande, nhiều tập đoàn bất động sản trong nước còn đáng lo ngại hơn'
(DNTO) - Nếu Vingroup vẫn giữ được nhiều chỉ tiêu đảm bảo hoạt động "lành mạnh" thì nhiều tập đoàn bất động sản khác, các chỉ tiêu về đòn bẩy tài chính, thanh khoản, dòng tiền... đang trong tình trạng còn tệ hơn cả Evergrande, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
"Tập đoàn bị nghi ngờ nhiều nhất lại là tốt nhất"
Từng nằm trong Top 5 những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, tổng tài sản lên tới 350 tỷ đô la trong năm 2020 nhưng Evergrande đang đứng trước nguy cơ phá sản khi rơi vào cảnh dòng tiền cạn kiệt, những khoản nợ khổng lồ đeo đuổi. Cổ phiếu Evergrande giảm 93% giá trị so với giai đoạn đỉnh cao năm 2017, kéo theo đó là những tác động không nhỏ đến nhiều thị trường tài chính.
Nhìn về Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi liệu có hay không một "Evergrande" trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước đang có nhiều biến động. Phát biểu trong buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra hôm nay, 4/10, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết, ông đã dành thời gian nghiên cứu "sức khỏe" của bốn tập đoàn được biết đến nhiều trong lĩnh vực bất động sản trong nước và nhận thấy, "Tập đoàn Vingroup bị nghi ngờ nhiều nhất nhưng lại là tốt nhất".
So sánh giữa Vingroup và Evergrande, theo ông Nghĩa, Vingroup đang có tổng tài sản khoảng 420.000 tỷ đồng, chiếm tới 6-7% GDP cả nước, trong đó Evergrande chỉ chiếm khoảng 2% GDP Trung Quốc. Vốn chủ sở hữu của Vingroup khoảng 144.000 tỷ đồng, trong khi đó nghĩa vụ nợ khoảng 270 ngàn tỷ đồng, nợ ngân hàng và trái phiếu chỉ 133 ngàn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản của tập đoàn này chỉ khoảng 60-70% và như vậy là "khá lành mạnh", ông Nghĩa nhận định.
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính, thanh khoản, khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Vingroup được TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá ở mức tốt. Tuy nhiên theo ông, vấn đề mà Evergrande mắc phải và ngay cả Vingroup cũng có thể mắc phải nếu không rút kinh nghiệm ngay từ bây giờ là việc liên quan đến dòng tiền.
Vingroup hiện đang hoạt động dựa trên 3 dòng tiền chính: Từ bán hàng, từ đầu tư và từ lĩnh vực tài chính, cụ thể ở đây là chứng khoán và trái phiếu. Năm 2020, nguồn thu từ bán hàng của tập đoàn khá tốt, nhưng dịch bệnh khiến dòng tiền này đang bị âm, kỳ vọng phải đến quý 2 năm sau mới có thể khôi phục lại. Do đó Vingroup đang phải dựa vào dòng tiền từ thị trường chứng khoán là chủ yếu.
Nhưng theo ông Nghĩa, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro với tập đoàn. "Vingroup phải cân đối dòng tiền bán hàng kinh doanh và dòng tiền đầu tư tài chính, hai dòng tiền này phải hỗ trợ nhau tích cực, bởi nhỡ ra nếu thị trường chứng khoán có vấn đề thì dòng tiền tài chính của tập đoàn sẽ gặp khó", ông nhận định.
Thị trường chứng khoán luôn nhiều bất ngờ, do đó, ông Nghĩa cho biết, Vingroup cần rút kinh nghiệm từ Evergrande, chú trọng cấu trúc lại dòng tiền tập đoàn, để tránh những vấn đề đáng tiếc.
"Bãi sương mù" về tài chính
Sau Vingroup, nhiều tập đoàn bất động sản được TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá không mấy lạc quan. Theo ông Nghĩa, một số doanh nghiệp có hiện tượng dùng đòn khá mạnh, "nợ gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu; 10 đồng có tới 9 đồng đi vay".
Và đây chính là những doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường nhất khi mà "các chỉ tiêu về đòn bẩy tài chính, thanh khoản, dòng tiền còn nằm trong tình trạng tệ hơn của Evergrande", ông Nghĩa nhận định.
"Tình trạng tương tự thậm chí kém minh bạch hơn được che giấu bởi nhiều 'bãi sương mù' về tài chính, thậm chí trong đó có tham nhũng, vô cùng đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng thương mại", ông Nghĩa cho biết.
Do đó theo ông, để tránh tình trạng xấu xảy ra, rút từ kinh nghiệm của hiện tượng Evergrande, cơ quan chức năng cần thiết phải có sự cảnh báo đối với các tập đoàn này.