Thuế đối ứng 20% được cho là 'không tệ', tại sao chứng khoán kết phiên vẫn giảm?

(DNTO) - Chứng khoán bật tăng hơn 7 điểm trong phiên sáng, tuy nhiên phiên chiều có thời điểm chỉ số rơi xuống hơn 10 điểm, kết phiên VN-Index vẫn giảm so với phiên hôm qua khi thông tin thuế đối ứng Mỹ áp cho Việt Nam xuất hiện trên trang mạng xã hội của ông Donald Trump.
Ngày 2/7, trong bài đăng mới trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump đã thông tin về mức thuế đối ứng với Việt Nam. Nội dung bài đăng như sau, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế đối ứng 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam và mức thuế 40% đối với hàng “chuyển tải” từ quốc gia khác. Cùng đó, các sản phẩm của Mỹ vào Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.
Thông tin trên đã kích hoạt thị trường chứng khoán Việt Nam vào sáng nay, ngày 3/7, khi VN-Index bật tăng hơn 7 điểm, thanh khoản trên HoSE đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, gấp đôi thanh khoản phiên sáng liền trước. Mức thuế mới đã khiến cho thị trường thêm nhiều kỳ vọng.

Ảnh minh họa
Giới chuyên gia cũng có những nhận định tích cực về mức thuế này. Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI chia sẻ: "20%, không phải nhượng bộ, mà là bước tiến. Việt Nam đã “đóng deal” khi thế giới còn thương lượng".
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS, cho biết, theo quan điểm của ông, mức thuế 20% trong giai đoạn này "có thể gọi là chấp nhập được". Thứ nhất, mức thuế này đã thấp hơn mức 46% ông Trump tuyên bố trước đó, và hiện tại đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, có thể còn thấp hơn Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đàm phán rõ ràng với Mỹ. Nếu so với nước chưa tiến tới đàm phán được thì chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế.
"Có thể thấy rằng, Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh tương đối với hàng hóa các quốc gia xuất khẩu khác trên toàn cầu", ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều trái với kỳ vọng của nhiều người khi phiên chiều nay, thị trường bất ngờ đảo chiều giảm điểm. Áp lực chốt lời dâng cao sau thời gian dài chờ đợi khiến lượng hàng đưa ra ồ ạt. Ở vùng giá cao, lực cầu bắt đáy giảm trong phiên chiều khiến chỉ số đi xuống. Thanh khoản ghi nhận tới 38 ngàn tỷ đồng trên cả 3 sàn nổi bật trong suốt giai đoạn dài vừa qua.
Vẫn còn lo ngại?
Về cơ bản, thông tin về thuế quan mới chỉ xuất hiện trên trang mạng xã hội. Các nội dung chi tiết vẫn chưa được công bố, do vậy thị trường vẫn cần thêm nhiều thời gian để có đánh giá tác động của các mức thuế trên với nền kinh tế trong thời gian tới.
Chuyên gia phân tích Phạm Phương Linh từ Công ty KBSV Research cho biết, nhà đầu tư cần theo dõi 2 yếu tố đáng lưu ý. Trước hết, cần xem xét sự ảnh hưởng của mức thuế này với từng ngành nghề khác nhau khi mà chưa thể biết khung thuế áp dụng cho mặt hàng nào và so sánh với các đối thủ cạnh tranh tương ứng như thế nào.
Ngoài ra, mức thuế 40% sẽ áp dụng với hàng hóa “trung chuyển”, tuy nhiên định nghĩa cụ thể về “trung chuyển” vẫn chưa được công bố. "Đây là yếu tố then chốt để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự của mức thuế này", đại diện KBSV nhận định.
Tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng khi chính sách thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của đồng USD hơn là sự luân chuyển của các dòng ngoại tệ ra vào Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Sơn cũng cho biết, nếu so với mức thuế 10% đang áp dụng, thì mức thuế 20% có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nhà nhập khẩu Mỹ, nên vẫn ảnh hưởng tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Áp lực này chỉ có thể giảm nếu thuế quan trên toàn cầu được áp dụng sau ngày 9/7 đều cao hơn Việt Nam. "Trong nguy thì chúng ta sẽ có cơ", ông kỳ vọng.
Như vậy, trước mắt, thông tin đáng lo ngại nhất, thuế đối ứng, đã lộ diện. Điều này tháo gỡ nút thắt cho thị trường khơi thông dòng vốn chảy vào chứng khoán. Cùng với kỳ thị trường nâng hạng trong thời gian tới, thị trường chứng khoán được cho là có nhiều yếu tố tích cực.