Triển khai các gói kích thích kinh tế sẽ tạo đòn bẩy cho tăng trưởng
(DNTO) - Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách. Việc triển khai thêm các gói kích thích, phục hồi kinh tế sẽ tạo đòn bẩy cho tăng trưởng, dẫn dắt dòng tiền vào nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp…
Gói chính sách lãi suất là hợp lý và cần thiết trong năm 2022
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, khả năng phục hồi kinh tế lần này sẽ không nhanh như năm 2020. Ông phân tích, sau lần giãn cách năm 2020, doanh nghiệp không bị phá sản, các nhà máy chỉ tạm thời đóng cửa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nước vẫn phát triển bình thường… Nhưng lần này, sau 4 tháng đóng cửa thì rất nhiều doanh nghiệp cũng phải ra đi, bây giờ cho phép cũng không hoạt động được, rồi rất nhiều lao động cũng về quê.
“Tôi cho rằng đây là sự thiếu hụt các yếu tố tạo ra tăng trưởng. Phải có các gói kích thích kinh tế để tạo nguồn lực tự nhiên, cụ thể ở đây là vốn", ông Cường nói.
"Gói chính sách lãi suất là vô cùng hợp lý và cần thiết trong năm 2022. Chúng ta phải mạnh dạn dùng chính sách hỗ trợ lãi suất để bơm thêm tiền cho doanh nghiệp. Tất nhiên bơm tiền lúc này sẽ xảy ra tình trạng lạm phát tăng lên, không thể giữ lạm phát dưới 4% được. Nhưng nhìn ra cả thế giới, quốc gia nào cũng phải bơm tiền ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế", ông Cường phân tích thêm.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng cần có các gói kích cầu. Chính phủ hiện nay đang đưa ra một số gói kích cầu như: Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động mất việc làm, thậm chí là gói 38.000 tỷ lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để trả cho người lao động.
"Đấy chính là cách để giúp cho người lao động có thêm nguồn tiền để tăng kích cầu tiêu dùng. Vì thị trường tiêu dùng trong nước vô cùng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế", ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Cường cũng lưu ý, phải kích cầu tiêu dùng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ phải tăng cầu tiêu dùng như tăng mạnh đầu tư công của Chính phủ. "Trong năm 2021 đầu tư công tăng rất chậm, nếu không tăng nhanh thì không có nguồn lực để bơm vào nền kinh tế, không tạo việc làm cho dự án đấy và không tạo ra việc làm cho doanh nghiệp", ông Cường phân tích.
Thậm chí theo ông Cường, Chính phủ phải mạnh dạn hơn nữa đặt hàng cho các tập đoàn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân tạo dựng lại các sản phẩm, đặc biệt vấn đề liên quan đến phát triển các hệ thống hạ tầng như hạ tầng cốt lõi mà nó làm thay đổi được trạng thái nền kinh tế.
"Đường sắt đang rất cần thiết và rất thiếu. Công nghiệp dịch vụ về kinh tế biển cũng vậy. Tại sao không mạnh dạn đầu tư để đặt hàng cho các nhà đầu tư tư nhân", đại biểu dẫn chứng.
Theo ông, nếu làm được việc đó thì nó vừa tạo ra được các ngành kinh tế trọng điểm, trụ cột cho đất nước nhưng đồng thời tạo công ăn việc làm, tạo tiền để phục hồi kinh tế.
Cần gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội quy mô lớn hơn
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng cho rằng, trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thì cần có gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội với quy mô lớn hơn.
Theo đó, ông Lộc đề xuất gói hỗ trợ lãi suất lên đến 20.000 tỷ kích cầu nền kinh tế. Theo ông, gói chính sách này cần phải vừa đảm bảo cứu được các doanh nghiệp, kích thích được động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt đặt trong bối cảnh chiến lược tổng thể, quá trình tái khởi động kinh tế, thì cần có một chương trình ngắn hạn phục hồi kinh tế triển khai thực hiện năm 2022-2023.
“Quốc hội, Chính phủ phải đề ngay ra được tái cấu trúc, phục hồi nền kinh tế 2 năm tới. Bên cạnh sự yểm trợ về tài khoá, tôi muốn đề xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới nên có ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đơn giản nhất, giảm thanh tra kiểm tra, tạo môi trường thuận lợi cho hồi phục sản xuất kinh doanh”, ông Lộc đề nghị.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các gói kích thích kinh tế giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, bảo đảm ổn định. “Hỗ trợ thì phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, có giám sát chặt chẽ trong thực hiện”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Chúng ta phải có chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay-trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có một cái gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022-2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy mà công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể nào hấp thụ được. Có khi còn kéo dài đến 5-10 năm sau. Tất cả những vấn đề này đang là bài học và Bộ KH&ĐT đang nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm để không lặp lại, làm cơ sở cho nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tới đây”, Bộ trưởng cho hay.
Đó là, cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thu của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa - tiền tệ, mục tiêu hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp; đặc biệt cần quan tâm công tác kiểm soát rủi ro, giám sát thực hiện chặt chẽ các gói hỗ trợ.
Công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định, nhiều khả năng chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được mở rộng. Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô giải ngân của các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam chỉ tương đương 2,85% GDP (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển, bao gồm Nhật Bản (56,1% GDP), Đức (39,3% GDP), Ý (37,7% GDP), Hoa Kỳ (26,5% GDP), Pháp (23,8% GDP), Vương quốc Anh (17,8% GDP) và các nền kinh tế châu Á khác như Ấn Độ (8,6% GDP), Indonesia (7,9% GDP) và Trung Quốc (4,7% GDP).
Ngoài ra, VNDIRECT ước tính rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ ở mức khoảng 45% GDP (GDP được tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Do lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, VNDIRECT tin rằng Chính phủ có thể tung thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội.
VNDIRECT kỳ vọng rằng quy mô của các gói kích thích kinh tế bổ sung có thể lên tới 3-4% GDP và nếu được thông qua sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.