Phục hồi kinh tế: Quản trị rủi ro, bắt nhịp đà phục hồi để thích ứng thực tế mới
(DNTO) - Chia sẻ tại Diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, tổ chức chiều 23/11, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để phục hồi kinh tế, chúng ta cần: Quản trị rủi ro – Bắt nhịp đà phục hồi - Bắt nhịp xu hướng mới.
Nhận định về đà phục hồi kinh tế trong năm 2022 của nền kinh tế toàn cầu, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời gian tới đà tăng trưởng tuy không rõ ràng, không đồng đều, nhưng tổng số sẽ là tăng trưởng tích cực. Điều này sẽ có tác động tốt đối với Việt Nam, như vậy, các nền kinh tế mạnh về đầu tư, lớn về thị trường sẽ là đối tác lớn của Việt Nam trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, tin xấu là tiến trình phục hồi này còn nhiều rủi ro phía trước. Thứ nhất, dịch dã còn phức tạp, chưa ai nói trước được gì. Thứ hai là lạm phát cũng như điều chỉnh chính sách vĩ mô và tiền tệ của các nước phát triển sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam; thứ ba là rủi ro tài chính, điều này đã có nhiều cảnh báo từ đà hứng khởi, đầu cơ quá mức của chứng khoán, bất động sản, nợ công, nợ tư… sẽ dẫn tới những rủi ro”, ông Thành nói.
Đặc biệt theo ông Thành, đà phục hồi có thể gặp rủi ro khi quy mô các gói kích thích trong nước còn nhỏ, việc thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận thấp, đặc biệt là việc dám đương đầu của các quan chức hầu như không có.
“Nhưng tin tốt là Chính phủ vẫn đau đáu với các gói hỗ trợ để kích thích kinh tế, tăng cường đà phục hồi. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng dù làm gì cũng không được quên rằng, để phục hồi kinh tế, chúng ta cần: Quản trị rủi ro – Bắt nhịp đà phục hồi và Bắt nhịp xu hướng mới”, ông Thành nêu quan điểm.
4 xu thế mới trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2022
Về phần mình, TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, thế giới bước vào năm 2022, bối cảnh địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhiều thay đổi khó lường khi các trục địa chính trị lớn vẫn tiếp tục xảy ra đối kháng, giằng co để định hình lại vai trò dẫn dắt xoay quanh các động thái của Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Úc…
Trong khi đó, dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có 4 xu thế mới bao gồm: Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch Covid-19 và nhấn mạnh áp lực tăng trưởng, ổn định, cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết các quốc gia
Thứ hai là áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lạm phát tại một số nền kinh tế lớn là Mỹ (5,4%); UK (4,2%), EU (2,4% so với mức 2% hiệp ước Maastricht).
Thứ ba, nhiều khả năng là Trung Quốc, thị trường quốc gia lớn nhất thế giới sẽ chưa có dấu hiệu mở cửa cho đi lại. Đặc biệt, quốc gia này vẫn tiếp tục thực thi chính sách “zero Covid” để ngăn chặn dịch bệnh.
Cuối cùng, các quốc gia sẽ buộc phải thí điểm mở cửa biên giới, nhất là để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…
Do đó, TS Khương chỉ ra, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức sẽ còn tiếp diễn bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc… thay đổi, cùng tác động của đại dịch Covid-19.
Mặt khác, theo TS Khương, thói quen tiêu dùng cũng cho thấy xu hướng thời gian tới khi người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí dẫn đến doanh số giảm cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp do thiếu lao động.
Chính vì vậy, TS Khương cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để các doanh nghiệp có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức.
Để phát triển kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” năm 2022, TS Nguyễn Đức Khương nhận định, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra rất nhiều thay đổi tạm thời, chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu, mà còn cả một số thay đổi kéo dài.
Chính vì vậy, cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Trong đó, kết hợp con người– máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng, hoạt động kinh doanh theo đó bền vững, có khả năng kháng cự với các cú sốc. Chu trình sản xuất kinh doanh, tiếp cận khách hàng có thể kết hợp giữa con người, máy học (machine learning), thiết bị ứng dụng tự động (Chatbot), và robot…
Đồng thời, để hiểu rõ nhu cầu và đặc điểm cá nhân của khách hàng mục tiêu đối với loại sản phẩm kinh doanh, và tiếp cận marketing, đáp ứng hiệu quả kỳ vọng của người tiêu dùng, công nghệ và dữ liệu lớn là một công cụ vô cùng cần thiết.