Để cứu nền kinh tế, ngân sách Nhà nước cần 'mạnh dạn' chi hỗ trợ doanh nghiệp
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không gượng dậy được vì "khát" vốn, tiềm lực mỏng, điều đó đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Do vậy, để giải cứu nền kinh tế, yêu cầu bắt buộc là phải "bơm máu" thật nhanh để doanh nghiệp có thể đứng dậy và chớp thời cơ.
Doanh nghiệp "oằn mình" vì chi phí
Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng...
Đáng chú ý, dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như trả lương, đóng bảo hiểm xã hội... cho người lao động.
Do thiếu hụt dòng tiền, hầu hết doanh nghiệp khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho hay, hơn một tháng trở lại hoạt động bình thường mới, hiện đã có 95% doanh nghiệp, 80% công nhân quay trở lại làm việc, hoạt động trong 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở TP.HCM. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang "méo mặt" về chi phí để duy trì hoạt động, nên mong mỏi lớn nhất là được tiếp tục trợ lực bằng "tiền tươi thóc thật", giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, cho vay mới không thế chấp...
"Hiện nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, do trước đó đã thế chấp để vay ngân hàng nên rất mong Chính phủ tiếp tục hỗ trợ chính sách "đủ liều" để doanh nghiệp có nền tảng tái sản xuất", ông Bé trần tình.
Thấu hiểu với khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, chưa kịp hồi phục thì chi phí đầu vào tăng mạnh đã "ngốn" hết lợi nhuận của doanh nghiệp, trong khi họ không dám tăng giá đầu ra, vì hiện nay nhu cầu giảm, đối tác, người tiêu dùng cũng than phiền rất nhiều về giá. Tiền đồ doanh nghiệp đang rất mù mịt, nhiều doanh nghiệp không chắc sẽ cầm cự được bao lâu, đây là thách thức cực kỳ lớn.
"Các doanh nghiệp đang rất khó khăn, rất cần các chính sách hỗ trợ thực chất hơn nữa và tốc độ triển khai phải nhanh chóng để tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế. Với doanh nghiệp, một xu hay một đồng được hỗ trợ lúc này cũng rất quý", ông Lực nhận định.
Cần những quyết sách đặc biệt để "hồi sinh" nền kinh tế
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải biết "lấy độc trị độc" thì nền kinh tế mới "giải độc" được. Lúc này dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất kém, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”.
"Để nền kinh tế đứng dậy và chớp thời cơ thì yêu cầu bắt buộc là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy nhanh và vững, chứ không phải “lom khom" hồi phục, theo đó, chắc chắn không thể giữ gói hỗ trợ "hà tiện" ở mức 2% GDP như hiện nay. Để kích hoạt lại nền kinh tế, quy mô ngân sách cho chương trình này có lẽ phải tương đương 8-10% GDP. Bản thân tôi thấy mức đó cũng chưa có gì là quá đáng cả", ông Thiên nhận định.
"Tôi còn mong nếu có thể tính toán đầy đủ và căn cơ, để nền kinh tế bứt lên được, thì gói hỗ trợ đó còn hơn 10%, có thể lên tới 15% GDP. Trên thế giới, các nước phát triển, có quy mô GDP lớn vượt trội, đang đưa ra những gói hỗ trợ đến 20-40% GDP, thậm chí Nhật Bản lên tới hơn 50% GDP. Các nước Đông Nam Á láng giềng đa số cũng đưa ra gói hỗ trợ cao hơn Việt Nam nhiều, ví dụ như Singapore 18% GDP; Thái Lan, Malaysia ít hơn cũng đã tung ra gói quy mô 8-10% GDP", ông Thiên cho biết thêm.
Cũng phải nói thêm, trong kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính có đề cập đến việc sẽ chấp nhận tăng bội chi trong năm 2021 để phục hồi kinh tế. Vậy, việc nâng trần bội chi để giúp cho nền kinh tế phục hồi là mạnh dạn, đúng với logic, tạo ra sự đột phá.
Bên cạnh đó, tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây cho biết, sẽ tiếp tục kéo dài thời gian hết 6 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021, thế nhưng điều người dân, doanh nghiệp chờ đợi không chỉ là kéo dài thời gian giảm phí, mà là kéo dài thời gian giảm, giãn, hoãn thuế thì mới thực sự giúp ích cho họ, bởi lẽ phí, lệ phí chỉ là mức nhỏ mà ít doanh nghiệp được hưởng. Quan trọng là miễn, giảm thuế như thế nào để nền kinh tế sớm hồi phục trong năm 2022.
Theo đó, trong trường hợp Nhà nước muốn doanh nghiệp “bật dậy” hơn nữa thì cần mở rộng các đối tượng, lĩnh vực được hưởng mức giảm thuế.
Chẳng hạn, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu 200 tỷ đồng thì có thể tăng lên 300 - 500 tỷ đồng. Hay giảm thuế giá trị gia tăng, mở rộng thêm các lĩnh vực đều được giảm thay vì chỉ những lĩnh vực bị ảnh hưởng. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng khi người mua trả tiền ít hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất thì giá thành mới giảm.
Về mặt phương pháp luận, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu vẫn bàn đến việc "cứu" cái hiện có, tức là cái cũ. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, các đối tác chủ yếu của Việt Nam lại đang bàn đến, đang tập trung cao độ cho nền kinh tế mới. Cụ thể, mới về đẳng cấp, mới về công nghệ, mới về ngành nghề của doanh nghiệp... Việt Nam cần phải định hướng như vậy. Cho nên, gói hỗ trợ tới đây, để làm xoay chuyển tình hình, phải định hướng đến những yếu tố mới đó.