Thị trường xuất khẩu 'ấm' trở lại, doanh nghiệp cá tra kỳ vọng đà tăng trưởng cuối năm
(DNTO) - Trở lại tái sản xuất, tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu cùng với lượng đơn đặt hàng đang quay trở lại ngày một nhiều hơn, các doanh nghiệp cá tra đang kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, địa phương, sẽ vực dậy mặt hàng này trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến thời điểm này, hầu hết các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng lạc quan trở lại, trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và một số quốc gia ở khu vực châu Á.
Cụ thể, tổng 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường số 1 là Trung Quốc đạt 279 triệu USD, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ (xếp thứ 2) đạt 248 triệu USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong top 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá tra Việt Nam 10 tháng đầu năm nay, thị trường CPTPP xếp thứ 3 khi đạt 144 triệu USD, giảm 2,6%. Thị trường EU đạt 78 triệu USD, giảm 20,4%. Trong khi đó, thị trường thứ 5 là Brazil đạt 45 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cá tra là ngành hàng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của vùng ĐBSCL, có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của toàn vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành hàng xuất khẩu tỷ đô này đang “mắc cạn” vì dịch Covid-19 kéo dài, khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều ở thế khó.
Theo đó, trước tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu đang "ấm" lại, đồng thời xác định cuối năm sẽ là thời điểm "vàng" để gia tăng xuất khẩu do nhu cầu của thị trường rất cao, sẽ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thuỷ sản lạc quan về doanh thu bật tăng trở lại.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực. Tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất trong tình hình mới.
"Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi duy trì sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra. Trước mắt hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm", Bộ trưởng Hoan nhận định.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho rằng, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu cần tận dụng hết công suất để đáp ứng tốt hơn các đơn hàng đã và sẽ ký kết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thị phần ở các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng như Nga, Ai Cập, Columbia.
Về phía Tổng cục Thủy sản nắm chắc tình hình, hỗ trợ các địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022…
Bên cạnh đó, theo VASEP "rào cản" lớn nhất với ngành hàng cá tra hiện nay là việc áp dụng bộ tiêu chí mới về chống dịch theo Nghị quyết 128 của một số địa phương vẫn chưa đồng nhất, dẫn tới doanh nghiệp còn khó khăn.
"Việc quản lý theo Bộ tiêu chí mới về phòng chống dịch của Chính phủ còn chưa đồng nhất, chưa kể tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, dẫn tới số ca lây nhiễm cộng đồng cao, rủi ro cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi và thời điểm hiện tại lượng đơn hàng phải thực hiện rất nhiều nên khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ” sẽ khó tăng công suất", VASEP cho hay và bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn sớm đưa ra Bộ tiêu chí đồng nhất trong chống dịch giữa các địa phương để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh cuối năm", VASEP cho hay.
Bên cạnh đó, trong suốt thời gian giãn cách vừa qua do không tiêu thụ được hàng hóa nên cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra thiếu hụt về vốn. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp chưa được giảm, nếu có cũng chỉ được giảm 0,5 - 1%, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ tiềm lực để khôi phục sản xuất bình thường trở lại.
Theo đó, để ngành hàng cá tra thực sự "bứt phá" thành công, điều kiện trước tiên và quan trọng nhất là cần ưu tiên tiêm vắc xin cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ chế biến, vận chuyển đến tiêu thụ, từ đó mới huy động được đủ lực lượng khôi phục sản xuất.
Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi cá giống; Bộ NN&PTNT cần có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để người nuôi cá tra cầm cự được trong thời gian này. Về phía Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra, giám sát, xem xét giảm lãi suất tới 2% mới có thể giúp doanh nghiệp tăng tốc trong giai đoạn nước rút này.