52/106 nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL phải dừng hoạt động
(DNTO) - Qua thời gian các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn, gần một nửa các nhà máy phải đóng cửa.
Trên 70% lao động phải nghỉ việc
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, do thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. Riêng tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long hiện có 52/106 nhà máy chế biến cá tra phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Theo ông Luân, thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30 - 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Chính vì thế dẫn đến việc giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết.
Cũng do tình trạng này khiến dư thừa nguyên liệu, cả chuỗi cá tra cũng bị ảnh hưởng. Cước vận tải biển thì liên tục tăng từ 2 - 3 lần, thậm chí có thời điểm tăng đến 10 lần. Bên cạnh đó, phát sinh chi phí 3 tại chỗ, thuê phòng ở của công nhân tăng từ 50 - 100%. Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang.
Đối với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20 - 30%, năng suất lao động giảm mạnh.
Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) cũng đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước. Sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng giãn cách xã hội giảm tương ứng 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 của năm 2020. Đặc biệt nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm tới 77% so với cùng kỳ.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Tô Thị Tường Lan cũng đánh giá với hàng loạt khó khăn như trên, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 9 có thể giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trước tình trạng hồi phục rất chậm, nhiều doanh nghiệp cá tra sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận đơn hàng mới cho đầu năm 2022.
Địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị gì?
Trước những khó khăn bủa vây, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Về việc tiêm vaccine tại các địa phương áp dụng không thống nhất, đôi khi gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Vì thế, cần phân bổ ưu tiên để tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi cá tra để công nhân có thể vào nhà máy, người vận chuyển cá được di chuyển, người nuôi được ra đồng. Các hội viên cũng đề xuất được giảm lãi suất và giãn nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ giảm tiền điện sản xuất cho doanh nghiệp, nâng tỷ lệ giảm tiền điện lên 20-30% thay vì giảm 10%. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp bình ổn giá thức ăn đang tăng cao, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kênh phân phối thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, vì cá tra hiện đang còn tồn đọng khá nhiều.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đề nghị cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh; đơn giản hoá thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác: Công nhân thu hoạch cá giống được phép đi về trong ngày và không phải cách ly, test 3 ngày/lần. Đối với địa bàn thực hiện chỉ thị 15 và 15+ thì được test nhanh âm tính trước khi về nhà và chỉ test một lần không cần phải test nhiều lần. Về vấn đề “3 tại chỗ”, đề nghị phải phù hợp với từng doanh nghiệp và giao cho doanh nghiệp tự quản lý, tự điều hành trong mọi hoạt động của họ.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị sớm có giải pháp xử lý các khó khăn cho doanh nghiệp, như: Chi phí sản xuất tăng, trang bị cơ sở vật chất cho công nhân lưu trú, hỗ trợ công nhân test nhanh và test PCR; vấn đề nguồn vốn vay để cho các hộ nuôi liên kết tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới, đảm bảo nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu thời gian tới.
Bên cạnh đó, kiến nghị các địa phương cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh xây dựng lộ trình chi tiết trong một giai đoạn nhất định với các quy định, chính sách cụ thể để doanh nghiệp chủ động tính toán kế hoạch phục hồi sản xuất. Đồng thời, Chính phủ xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, thuế... để họ khôi phục sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, đây sẽ là sự "cởi trói" mang ý nghĩa quyết định cho ngành cá tra.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có vùng nuôi cá tra cùng nhau hợp tác chặt chẽ để “đưa con cá tra đi xa hơn”. Bộ không chỉ đồng hành mà còn giữ vai trò điều phối, vận hành để ngành hàng cá tra sớm phục hồi sản xuất.
"Đây cũng là dịp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế để cùng nhau kiến tạo giá trị bền vững. Đồng thời đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần tạo ra một khí thế mới sau đại dịch", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.