Cơ hội nào cho cá tra Việt tại 'miền đất hứa' Mexico?
(DNTO) - Tính tới nửa đầu tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đạt 44 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Mexico hiện trở thành "quán quân" về thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra gặp khó bởi hàng rào thương mại từ Trung Quốc và sự sụt giảm nhập khẩu cá tra từ EU...
Điều này khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam "bẻ lái" sang các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Trung Đông, Mỹ Latinh, và đặc biệt là Mexico.
Tính tới nửa đầu tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đạt 44 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Mexico hiện đã vượt Brazil trở thành "quán quân" về thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Đặc biệt, trong quý 2/2021, trị giá xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng trưởng ấn tượng tới ba con số, từ 166 - 232% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mexico dao động trung bình từ 1,75 – 1,82 USD/kg. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mexico gia tăng đáng kể so với năm trước.
Tính tới cuối tháng 7, có hơn 40 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hy vọng cho các doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long những tháng cuối năm, đồng thời cũng là cơ hội để người nuôi thả cá tra vực lại sản xuất sau một thời gian dài chật vật thua lỗ do giá cá tra bị giảm sâu.
Cơ hội xuất khẩu cá tra càng tăng hơn khi từ cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Kết quả là 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này được hưởng thuế chống bán phá giá ở mức 0%...
Dù nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn, trong đó có Mexico, Brazil… bắt đầu tăng trở lại, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước lại đang có nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và phải đối mặt với khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hiện giá xuất khẩu cá tra đang tốt hơn bình thường, nhưng doanh nghiệp không thể mở rộng chế biến bởi không thể chuyển cá từ vùng nguyên liệu sang vùng chế biến, bởi các quy định về thực hiện giãn cách đang rất rối rắm, thậm chí mỗi tỉnh một kiểu.
Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho hay, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng chế biến từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi thả cá gặp khó khăn. Có doanh nghiệp chỉ sắp xếp được để sản xuất "3 tại chỗ" tháng đầu tiên, tinh thần của công nhân không vững xin nghỉ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp chế biến thủy sản được tiêm vaccine rất thấp.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhấn mạnh: Cần tranh thủ cơ hội và có chính sách hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm về thuế, phí..., để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Hiện nay, ngân hàng hỗ trợ lãi suất 0,5% cho những món được giải ngân mới trong tháng 7 và 8/2021 là không đáng kể. Đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hiện 70% doanh nghiệp thủy sản đã ngừng hoạt động, 30% còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với công suất chỉ 30-40%”, ông Quốc nêu ý kiến.
Đồng thời, ông Quốc cho rằng, ngành cá tra cũng cần phải quy hoạch lại và tìm những hướng đi mới, các doanh nghiệp cần lên kịch bản ứng phó phù hợp với những thách thức mới, nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa sự sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp cũng như tổng kim ngạch của toàn ngành.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico và một số thị trường khác, tuy nhiên, điều cần thiết nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian này là sớm quay trở lại ổn định sản xuất sau giãn cách.