Xuất khẩu cá tra liệu sẽ 'lội ngược dòng' vào quý 3/2021?
(DNTO) - Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã ghi nhận tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm, nhưng 6 tháng cuối năm sẽ là chặng đường nhiều chông gai bởi hoạt động xuất khẩu phải đối mặt với thách thức từ thiếu container đến giá nguyên liệu và chi phí hậu cần tăng cao.
Tăng trưởng quý 3 vẫn là ẩn số
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142,6 triệu USD, tăng 28%. Tính tới hết tháng 6, xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Tạ Hà, chuyên gia VASEP cho hay, bên cạnh sự ổn định của thị trường Mỹ, thì sự tăng trưởng tốt của thị trường Trung Quốc từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 6, cùng với sự hồi phục của các thị trường khối CPTPP đã giúp ngành cá tra tăng trưởng, trong đó sự hồi phục từ thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất.
"Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp cá da trơn của Mỹ đang đối mặt với khó khăn khi diện tích và sản lượng nuôi giảm mạnh. Nước này buộc phải nhập khẩu sản phẩm cá tra để lấp đầy sự thiếu hụt này. Do đó, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Mỹ sẽ có thể tăng dần trong thời gian tới" - bà Hà nhận định.
Cũng theo bà Hà, Nga là thị trường thu hút nhiều chú ý trên bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam những tháng đầu năm nay. Thị trường này nổi bật về mức tăng trưởng ba con số, lên tới 126,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10 triệu USD (sau thị trường Anh). Riêng tháng 3/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,46 triệu USD, tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2021, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, nếu chỉ nhìn vào mức tăng trưởng này thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chưa thực sự an tâm, vì họ đang phải đối mặt với thách thức bởi yếu tố lưu thông cảng biển, thiếu container, giá nguyên liệu, chi phí hậu cần tăng cao... khiến giá cá tra xuất khẩu quý 3 vẫn là ẩn số, khó dự đoán vì rất khó để thống kê lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Quốc, nuôi một lứa cá tra mất 7-8 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung trong nước dư thừa, tiêu thụ chậm, người nông dân phải tăng thời gian nuôi, cho cá ăn đói.
Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 400 – 500 đồng/kg, đội giá thành sản xuất lên cao khiến người dân lỗ ít nhất 1.000 – 2.000 đồng/kg cá bán ra.
"Giá cá tra nguyên liệu phải tăng lên mức 24.000 đồng/kg thì người dân hòa vốn và tăng trên 25.000 đồng/kg, người nuôi mới có lãi", ông Quốc cho hay.
Cũng theo ông Quốc, cá tra nguyên liệu ở thời kỳ đỉnh cao năm 2018 từng có giá 34.500 – 36.000 đồng/kg. Doanh nghiệp, người nuôi trúng lớn nên đổ xô nuôi cá tra dẫn đến khủng hoảng dư cung, cá tra rớt giá thảm.
Đồng quan điểm, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP chia sẻ, các doanh nghiệp cá tra đang phải chống chọi với hàng loạt chi phí và giá cả leo thang.
Chẳng hạn, giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp 4 đến 5 lần từ giữa năm ngoái, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất đều tăng từ 5% đến 25%, đặc biệt các trang thiết bị cho người chế biến như găng tay, thiết bị an toàn vệ sinh thực phẩm ngăn ngừa dịch bệnh tăng rất cao. Ngoài ra, thức ăn thủy sản tăng 15 - 20%, cước phí vận tải tăng 5 - 10 lần, bao bì cũng tăng... Những yếu tố này là thách thức rất lớn đối với ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng để duy trì chuỗi cung ứng.
“Xét trên toàn chuỗi cung ứng thì các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đứng ở cuối chuỗi, nên mọi gánh nặng cũng như rủi ro từ tác động của thị trường thế giới đè nặng lên chuỗi sản xuất địa phương từ khâu giống, thức ăn, con người, vận chuyển”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, bức tranh xuất khẩu cá tra trong thời gian tới có sắc thái tươi sáng hay không chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, vì từ mức tăng trưởng âm 30% trong quý 1/2021, EU không thể trỗi dậy ngay được. Trong khi đó, Trung Quốc đã có động thái xem xét lại việc nhập khẩu cá tra khi đánh giá lại tình hình Covid-19 tại Việt Nam.
“Một điều chắc chắn rằng, đợt bùng dịch Covid-19 lần này tác hại khôn lường so với các đợt bùng dịch khác trong năm qua. Dịch bệnh đã tác động đến mọi ngóc ngách trên toàn chuỗi sản xuất và sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm đòi hỏi an toàn vệ sinh cao. Giờ đây, xuất khẩu chỉ hồi phục khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh một cách hiệu quả, đem lại an toàn cho người lao động, tạo sự tin tưởng cho khách hàng”, bà Lan nhận định.
Ngoài ra, trước những tác động của đối thủ xuất khẩu của Việt Nam, châu Âu tăng cường rào cản kỹ thuật, khiến "đường đi" của cá tra đến thị trường này gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh những yếu tố từ phía khách hàng, doanh nghiệp Việt Nam chưa đoàn kết, thiếu liên kết ngang, thường xuyên phá giá xuất khẩu khiến chất lượng và giá cá tra không ổn định, khó xây dựng thương hiệu quốc gia cũng là rào cản ghìm kim ngạch xuất khẩu.
Lối đi nào cho ngành cá tra?
Trước những thách thức và yêu cầu khắt khe của EU, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bỏ cuộc, tìm kiếm thị trường "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) nhận định: Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội từ EVFTA. Nếu gây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam ở đây, chúng ta có thể thu được nguồn lợi lớn và các thị trường khác không làm khó được Việt Nam.
Thực tế, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu tiêu thụ ở phân khúc thị trường trung bình, giá bình dân. Do đó, vấn đề của các doanh nghiệp là làm sao để sản phẩm đẹp cả về chất lượng, hình ảnh và giá cả.
Do vậy, ngành cá tra cần phải quy hoạch lại và tìm những hướng đi mới, các doanh nghiệp cần lên kịch bản ứng phó phù hợp với những thách thức mới, nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa sự sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp cũng như tổng kim ngạch của toàn ngành.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao khả năng nhận thức liên quan đến các vấn đề trách nhiệm xã hội, lao động, các yếu tố liên quan đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cụ thể, khi bước chân vào thị trường EU, các doanh nghiệp phải lưu ý từ khâu nuôi trồng, đóng gói, tiếp thị vào đa dạng các phân khúc thị trường. Đồng thời, cam kết về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp, hoặc việc tăng chi phí sản xuất, các quy định về lao động và môi trường có thể bị nâng lên. Đây là những vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cần nắm bắt để có những chủ động chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ trong xây dựng và phát triển vùng sản xuất giống cá tra tập trung, vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung; đầu tư nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi cá tra tiên tiến, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như: VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP bền vững, có hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ông Quốc, hiện nay thị phần tiêu thụ cá tra Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia còn yếu, quảng bá hình ảnh ở thị trường nước ngoài chưa chủ động, thường xuyên.
"Hiệp hội kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đồng hành cùng VASEP và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Quốc nói.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, ngành cá tra chưa chú trọng phát triển thị trường nội địa 100 triệu dân. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng các vùng miền, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng hệ thống tiêu thụ toàn quốc. Như vậy, thị trường nội địa có thể trở thành "mỏ vàng" cho ngành cá tra.
Đồng thời, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký VASEP nêu rõ, do tác động của Covid-19 nên 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng nhưng tốc độ không lớn. Do đó, người chăn nuôi cần linh hoạt giãn thời gian thả nuôi, cân đối nguồn cung, thức ăn chăn nuôi và giá nguyên liệu, giá xuất khẩu.
Việc triển khai tiêm vaccine diện rộng sẽ tiếp tục là điểm sáng cho thủy sản Việt Nam, với dự đoán nhu cầu gia tăng với cả tôm, cá tra, cá ngừ và các hải sản khác. Đặc biệt đối với cá tra và tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch Covid-19.
Doanh nghiệp cá tra cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.