Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU nửa cuối năm nay tăng 8%
(DNTO) - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, uớc tính xuất khẩu thủy sản sang EU nửa cuối năm 2021 đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.
Theo VASEP, EU chiếm trên 14% xuất khẩu tôm của Việt Nam, đứng thứ 3 sau thị trường Mỹ, Nhật Bản. Xuất khẩu tôm 6 tháng năm 2021 chiếm tỷ trọng cao nhất, 52,5% tổng kim ngạch thuỷ sản sang EU với 256 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với cá ngừ, EU chiếm 21% đứng sau Mỹ. EU chỉ còn chiếm 7,4% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Chỉ với mặt hàng nghêu xuất khẩu, EU chiếm vị trí “thống trị” với trên 70% xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc, nghêu, cá ngừ và các loại cá biển khác sang thị trường EU trong nửa đầu năm cũng mang lại kim ngạch khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mực tăng 56% đạt gần 21 triệu USD, bạch tuộc tăng 33% đạt 5,5 triệu USD.
Xuất khẩu nghêu sang EU tăng mạnh 45% đạt 33 triệu USD, đây cũng là mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang EU, chiếm 7%. Cá ngừ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 sang EU với trên 74 triệu USD, tăng 31%, chiếm trên 15%.
Trong khi đó, xuất khẩu các loại cá biển khác sang EU chỉ chiếm 7% với khoảng 33 triệu USD, tăng 21%.Trong nhóm cá nuôi, ngoài cá tra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng xuất khẩu cá nước ngọt khác như cá trê, cá rô phi với giá trị khoảng 4 triệu USD, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vaccine chống Covid-19 và các gói hỗ trợ kinh tế. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm.
Cũng theo VASEP dự báo, uớc tính xuất khẩu thuỷ sản sang EU nửa cuối năm đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng này không "ấn tượng" như nửa đầu năm, do nguồn nguyên liệu cá biển đang bị hạn chế, cùng với đó là tác động của dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, đặc biệt nhức nhối hơn cả là ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải sống chung với "thẻ vàng", gây tổn thất về uy tín trên thị trường quốc tế dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản cho biết, từ khi bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU đều rất khó khăn do kiểm tra rất gắt gao. Trong khi đó, nghề cá ở Việt Nam là nghề mà cả gia đình cùng làm, có thế mạnh do có lực lượng kế thừa. Tuy nhiên, việc đánh bắt tự phát, không tuân theo chuẩn mực khiến ngành hải sản của chúng ta vẫn chưa ra được khỏi bãi lầy của thẻ vàng, đây là nguyên nhân chính "trói buộc" sản lượng xuất khẩu.
“Hiện nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn giảm 30%, trong khi lẽ ra với lợi thế EVFTA, thuế suất nhập khẩu giảm, phải tăng kim ngạch chứ không thể thế này được. Không chỉ với thị trường EU, nếu tình trạng không gỡ được thẻ vàng EC kéo dài hơn, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng theo”, bà Sắc nhấn mạnh.