Kinh doanh tử tế: Chiến lược bảo vệ 'nồi cơm' của doanh nghiệp
(DNTO) - Khi xã hội rơi vào cảnh khó khăn, mọi người cho rằng hoạt động từ thiện mới thể hiện sự tử tế, không hẳn vậy, ý nghĩa của "tử tế" cần được nhìn nhận toàn diện hơn. Chẳng hạn trong kinh doanh, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, có trách nhiệm với xã hội chính là thước đo sự tử tế.
Thời “kinh tế mở”, việc cạnh tranh diễn ra giữa các doanh nghiệp ngày càng trở lên gay gắt, trong đó, giá trị thương hiệu là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Để xây dựng một thương hiệu mạnh, chất lượng sản phẩm thôi chưa đủ, cách ứng xử, thái độ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đó ra thị trường như thế nào, trách nhiệm với xã hội ra sao góp phần không nhỏ trong việc "ghi điểm" với người tiêu dùng.
Không nên "biết 1 mà không biết 10", tham lam, chộp giật trong kinh doanh, hòng mang lại lợi nhuận bất chính, khiến thương hiệu của mình bị bóp méo, trở nên xấu xí, tồi tệ trong cảm nhận của khách hàng, cũng đồng nghĩa với việc tự "đào hố" chôn mình.
Thực tế, trong bối cảnh cả nước đồng lòng chống dịch bệnh, hầu hết các công ty đều đang làm tốt vai trò của mình với xã hội, cộng đồng khi đóng góp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cho công cuộc phòng, chống dịch của đất nước. Dù chính họ cũng đang gặp khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, không biết ngày mai ra sao, nhưng khi đất nước cần, các doanh nghiệp vẫn góp công sức trong khả năng của mình, cùng cả nước chống dịch.
Nhiều cửa hàng 0 đồng được đưa vào hoạt động; nhiều doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vaccine phòng Covid-19; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tài trợ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho nhiều địa phương; những bếp ăn do nhiều doanh nghiệp góp công, góp của đang ngày đêm đỏ lửa để mang đến bữa cơm dinh dưỡng cho những người vô gia cư, người dân khu phong tỏa, người nghèo khó; những bó rau, củ quả lặng lẽ đặt trước cửa nhà người dân; những điểm phân phối rau xanh miễn phí ra đời... là hành động thiết thực, là cái tâm của rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đang cùng cộng đồng lan tỏa hơi ấm, tình yêu thương đến đồng bào mình, giữa đại dịch.
Hơn bao giờ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng chính là văn hóa, đạo đức kinh doanh, yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Một điểm sáng nhỏ bé nhưng ấm áp giữa tâm dịch là câu chuyện gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua, về nhân vật "truyền cảm hứng" của sự tử tế, đó là anh Phạm Hồng Minh, còn gọi là "Minh râu", bán rau ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Anh Minh không phải là chủ một chuỗi siêu thị, hay một siêu thị lớn; anh chỉ sở hữu một hàng rau nhỏ ven đường.
Nhưng mấy mùa dịch qua, dù bản thân cũng chạy ăn từng bữa, anh Minh vẫn bán rau củ "như cho" với những "khẩu hiệu" cực kỳ vui nhộn, đáng yêu, thậm chí viết sai chính tả, tưởng đâu là kỹ năng marketing hay chiêu trò bán hàng, thực chất lại đến từ tấm lòng chân thật của anh: "Miễn phí cho công nhân, sinh viên". "Ai cần đến lấy", "ai sin (xin - PV) thì cho", "lấy đủ ăn, mai có tiếp"...
Bị bạn bè nhắn tin chê là “ngu” vì không tận dụng thời cơ để đẩy giá khi người dân đang khát rau, anh trả lời đơn giản: “Kiếm tiền kiếm cả đời, mình không nên kiếm những lúc bà con hoạn nạn như thế này, lúc này hỗ trợ được nhau cái gì là rất quan trọng".
Hành động đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu của anh bán rau xứng đáng được trân trọng và lan toả. Có ai ngờ, ẩn sau vẻ ngoài bụi bặm, gai góc là một tấm lòng thiện lương, tử tế và đáng quý.
Câu trả lời xuất phát từ cái tâm trong sáng của anh Minh Râu làm lay động bao người, và như chiếc gương để những doanh nghiệp nào đang "thừa nước đục thả câu", làm những việc không minh chính trong kinh doanh, phải soi mình, xấu hổ và nhìn lại.
Không phải ngẫu nhiên "kinh doanh tử tế" và "trách nhiệm xã hội" là từ khoá được cộng đồng mạng và giới kinh doanh đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Khi cả nước căng mình chống dịch; Đảng, Chính phủ chỉ đạo hàng ngày về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc góp từng mớ rau, con cá, cân gạo ủng hộ miền Nam, thì vẫn còn đâu đó những hành vi trục lợi từ dịch thì thật đáng lên án.
Vẫn biết trong kinh doanh, mục tiêu tối thượng là lợi nhuận, nhưng giữa lúc xã hội lâm vào cơn nguy khó chưa từng thấy trong lịch sử, trục lợi trên sự khó khăn của người dân chẳng khác gì tội ác.
Chuỗi bách hóa nọ tăng giá nhiều mặt hàng, cộng thêm chuyện lùm xùm cân sai, cân thiếu, kê khống giá... thì dù đã có văn bản giải thích, nhưng giữa những lý lẽ đúng - sai, vẫn còn đó một chữ "tình".
"Tình", ấy là khi không làm được việc thiện, ít nhất đừng làm ác. Tình, ấy là nên có lòng thương cảm với đồng bào mình, đừng trong bộn bề khó khăn lại "tranh thủ" kiếm tiền trên nỗi âu lo của đồng bào. Làm thế sao đặng?
Bởi thế, thay vì xin lỗi, những lời giải thích ấy vẫn không nhận được sự đồng tình từ phần đông khách hàng, thay vào đó là hàng loạt làn sóng đòi tẩy chay chuỗi cửa hàng này.
Chính vì thế, câu chuyện của anh Minh Râu, đặt dưới góc nhìn của doanh nghiệp chính là xu hướng của thế giới, là "chiến lược phát triển bền vững" không chỉ với những người kinh doanh nhỏ lẻ mà còn với các tập đoàn, công ty muốn hướng đến sự kinh doanh tử tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
Thực chất, chỉ khi doanh nghiệp sống có trách nhiệm với xã hội thì mới có lợi nhuận, bởi thị trường bây giờ rất khác, người tiêu dùng cũng là những người tiêu dùng thông thái; tiêu dùng vì trách nhiệm. Hay còn gọi đó là mối quan hệ tương hỗ.
Còn nhớ câu chuyện người tiêu dùng Việt Nam đã từng tẩy chay một doanh nghiệp nước giải khát ngoại vì không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian dài, bởi họ cho rằng việc mua hàng của họ không đóng góp cho đất nước. Hay một doanh nghiệp ngoại xả thải ra môi trường cũng mất rất nhiều năm mới lấy lại được lòng tin của khách hàng.
Không chỉ ở Việt Nam, tại các nước châu Âu cũng vậy, khi dịch Covid-19 ập tới, người dân thể hiện ý thức công dân bằng cách chỉ mua hàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ với khẩu hiệu: "Tôi mua hàng trong vùng của tôi chứ không mua trên Amazon (thương mại điện tử - PV)". Kiệt quệ cả về kinh tế và tinh thần, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các tiểu thương lại nhận được sự cứu trợ, khích lệ từ người dân bản địa để vực dậy, đứng lên.
Những câu chuyện ấy cho thấy, bên cạnh chất lượng thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Người xưa có câu “lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai”, việc làm hôm nay, hành động hôm nay của doanh nghiệp quyết định người tiêu dùng có tiếp tục đồng hành với họ trong tương lai không.
Chính vì thế, chúng ta cần khẳng định công ty muốn phát triển bền vững, tăng trưởng mạnh thì yếu tố về môi trường xã hội và quản trị công ty phải được đặt lên hàng đầu, đó chính là giá trị cốt lõi của sự kinh doanh tử tế.
Điều thú vị nhất là khi câu chuyện về sự tử tế trong kinh doanh không đến từ các chuyên gia marketing hàng đầu, mà đến từ một anh chàng bán rau dí dỏm với tấm lòng bao dung và chân thành. Có thể tri thức anh không cao nhưng lại chạm đến trái tim của nhiều người bởi sự tử tế.
Thật cảm động với tinh thần kinh doanh ESG (Environmental, Social and Governance - Môi trường, Xã hội và Quản trị) của anh Minh Râu. Đó không chỉ đơn giản là câu chuyện về làm từ thiện, mà còn là chiến lược kinh doanh.
Đó là điển hình của ESG, tức là khi kinh doanh, chúng ta làm việc tử tế trong mọi hoàn cảnh và không kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, thì ắt “tiếng lành đồn xa”, “hữu xạ tự nhiên hương”, các giá trị của công ty sẽ nhanh chóng lan truyền và trở thành những “hạt giống thần kỳ” đưa doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, là cách bảo vệ "nồi cơm" của mình hiệu quả nhất, bởi theo nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Hoàng Trung của Lozi: "Chỉ cần gian dối một lần, bạn có thể mất đi cơ hội mãi mãi”.
Ngẫm cho cùng, tử tế với nhau là cách để cuộc sống của chúng ta dịu dàng, ấm áp hơn, và chắc rằng, không sống tốt và chân thành với nhau vào lúc này thì còn đợi khi nào nữa?