Chiến lược ‘tắc kè hoa’ trong kinh doanh homestay mùa dịch
(DNTO) - Thay vì lặng lẽ rút lui khỏi thị trường, nhiều đơn vị kinh doanh homestay đang nỗ lực biến hóa mình để thích ứng với dịch bệnh như đa dạng hóa dịch vụ, bắt tay chủ nhà cùng kinh doanh hay tìm đến các nhà đầu tư gọi vốn…
‘Đổi màu’ trước dịch Covid-19
Veque Homestay, đơn vị kinh doanh homestay được hình thành bởi 5 người trẻ, bắt đầu từ nguồn vốn tự huy động trong gia đình. Trước dịch, hệ thống này hoạt động khá hiệu quả với doanh thu lên tới 100 triệu/tháng, lãi 40%.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3/2020, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội ra đời áp dụng với nhiều địa phương để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19, doanh thu của Veque Homestay về 0. Sau nhiều ngày đêm họp bàn, đội ngũ của Veque Homestay quyết định đa dạng hóa mô hình kinh doanh.
Veque Homestay tập trung vào nguồn khách nội địa, đối với Hà Nội, tận dụng ngay lượng khách nội thành với chiến lược kinh doanh “kết hợp phòng thủ và tấn công”: cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết và tăng chi phí cho quảng cáo, marketing, bán hàng để thu hút khách.
Cụ thể, Veque Homestay tạo thêm dịch vụ cho các cặp đôi (trang hoàng phòng tắm, trang trí tiệc sinh nhật, bữa tối lãng mạn..); phát triển các gói cho nhóm chụp hình (cho phép di chuyển đồ đạc, dịch vụ dọn dẹp sau chụp có tính phí…); phát triển các dịch vụ phù hợp với khách đi theo nhóm (games, lò nướng, phòng rộng có máy chiếu…) và linh hoạt giá từng thời điểm.
“Thay vì dựa vào các nền tảng OTAs (đại lý du lịch trực tuyến), chúng tôi để khách hàng đặt phòng trên các kênh mạng xã hội vì nhiều khách thường có những câu hỏi cần chủ nhà giải đáp, và họ cũng quyết định lựa chọn dịch vụ từ các đánh giá, phản hồi trên mạng xã hội”, chị Nhung Nguyễn, chủ chuỗi Veque Homestay cho hay.
Nhờ vậy, đơn vị này bước đầu thu bù chi từ tháng 6/2020 và duy trì doanh thu trong suốt năm 2020. Đến tháng 4/2021, đơn vị này bắt đầu mở rộng kinh doanh, và doanh số tháng gần nhất đạt 1 tỷ đồng, theo thông tin từ Cohost.
Cũng giống như Veque Homestay, nhiều đơn vị kinh doanh homestay khác trên thị trường cũng coi dịch Covid-19 là thời điểm để thay đổi phương thức kinh doanh.
Ông Phạm Kim Cương, CEO Cohost AI (công ty cung cấp sản phẩm quản gia ảo cho các căn hộ cho thuê ngắn hạn, triển khai ứng dụng AI trong lĩnh vực lưu trú) cho biết, hầu hết các nhóm kinh doanh homestay không có nhà, chủ yếu thuê lại nhà dân ở địa phương, trước khi có dịch, mặc dù phải trả chi phí thuê hàng tháng nhưng do lượng khách đông nên vẫn có lãi.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc sụt giảm khách du lịch trong khi vẫn phải duy trì chi phí thuê nhà khiến nhiều homestay lâm vào tình trạng lỗ nặng nề.
Trong bối cảnh đó, nhiều chủ homestay bắt đầu chuyển sang mô hình chia sẻ doanh thu, tức không thuê lại nhà của người dân mà bắt tay với họ cùng kinh doanh. Cụ thể, người chủ sở hữu nhà sẽ nhận 70% lợi nhuận, người kinh doanh sẽ nhận 30% lợi nhuận.
“Đây được coi là giải pháp win-win, đôi bên đều hưởng lợi, vì chủ sở hữu nhà có cơ sở vật chất nhưng thường không có kinh nghiệm về kinh doanh và quản trị, trong khi những người kinh doanh không có nhà nhưng lại có sẵn kinh nghiệm và chuyên môn”, ông Cương cho hay.
Gọi vốn từ các "cá mập"
Ông Phạm Kim Cương cho biết, trước đây, các nhà kinh doanh homestay thường tìm kiếm nguồn tài chính bằng cách huy động vốn từ bạn bè, gia đình, hay cầm cố tài sản để vay ngân hàng. Tuy nhiên, sau dịch Covid- 19, nhiều đơn vị đã bắt đầu tìm đến nhà đầu tư.
Điển hình tháng 5/2021, sau khi tìm đến Cohost AI, Veque Homestay đã nhận được cái gật đầu của đơn vị này để cùng phát triển mô hình Airbnb/homestay ở Việt Nam.
Hay mới đây, Jackma English Homestay (startup kết hợp giữa dạy tiếng Anh và lưu trú) đã lên chương trình Thương vụ Bạc tỷ mùa 4 kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần startup.
Ông Lê Xuân Vũ, người sáng lập Jackma English Homestay khẳng định đây là mô hình kinh doanh rất mới trên thị trường. Học phí được thu ở mức 4,5 triệu đồng/tháng, trong đó 2 triệu đồng là chi phí ở và 2,5 triệu đồng là chi phí học.
Dù không được các “cá mập” rót vốn do mô hình kinh doanh không rõ nét, khó nhân rộng, nhưng Jackma English Homestay cũng bước đầu cho thấy cách nghĩ, cách làm mới trong hoạt động kinh doanh homestay đang rất khó khăn bởi dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nguồn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sụt giảm, các đơn vị kinh doanh homestay chuyển hướng đến việc chinh phục khách nội địa. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh homestay phải rất nhanh nhạy khi chuyển đổi nguồn khách hàng, vì nhu cầu và thói quen của khách quốc tế và khách nội địa rất khác nhau.
“Trước đây, hầu hết các homestay đều không có nồi lẩu, nhưng để phục vụ khách nội địa bắt buộc phải trang bị nồi lẩu vì khách yêu cầu; hay thích nghi với thói quen giữ tiền cọc, hoặc checkin/out sớm hoặc muộn”, ông Cương cho hay.