Phát triển kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế
(DNTO) - Tầm vóc trí tuệ của Đảng ta và nhân dân ta trong quá trình tìm tòi sáng tạo, đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được khẳng định và củng cố vững chắc, nhất là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Từ đó đến nay, quan niệm về xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế ngày một cụ thể, sát hơn với điều kiện thực tế.
Chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần là để giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Làm như vậy thực chất cũng là để xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất; thực hiện mọi giải pháp để phát triển hiệu quả các thành phần kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, củng cố và nâng cao địa vị làm chủ của người lao động trong sản xuất, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân được Đảng ta xác định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề hết sức cần thiết, bởi đó là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bởi vậy, Nhà nước quy định kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà luật pháp không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, các doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 876.086 doanh nghiệp tư nhân, tăng 37.152 doanh nghiệp so với thời điểm 31/12/2018 và gấp 3,27 lần so với năm 2010. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm khoảng 1,69%; doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm khoảng 1,9%; doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 25,1% và doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 71,4%. Tổng số lao động ở các đơn vị kinh tế tư nhân có 23.602.400 người, chiếm khoảng 49% lực lượng trong độ tuổi lao động.
Đến nay, phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân đã rộng khắp, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có những ngành công nghệ cao. Trong những năm qua, một làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra, đem lại sức sống mới, năng động và sôi nổi hơn cho nền kinh tế đất nước. Do vậy, cơ cấu tỷ trọng kinh tế tư nhân trong nền kinh tế khá cao, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 39-40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Một đặc điểm rất quan trọng nữa là độ co dãn và khả năng thích nghi với những thay đổi điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân cao hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể trụ vững được trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc các thách thức.
Đại dịch Covid-19 hơn một năm qua gây ra những tổn thất lớn, làm đứt gãy quá trình sản xuất, trao đổi, tiêu dùng trên quy mô toàn cầu nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân vượt lên trong việc đổi mới cách thức sản xuất, mạnh dạn sử dụng công nghệ mới, bám sát thực tế đời sống để tiếp tục phát triển và góp phần không nhỏ vào việc phòng, chống dịch bệnh.
Các loại khẩu trang và dụng cụ y tế thông thường, các loại nhu yếu phẩm và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được các doanh nghiệp tư nhân cung ứng cho xã hội, thiết thực giảm bớt những khó khăn cho cộng đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân còn gặp nhiều trở ngại. Quy mô doanh nghiệp tư nhân phần lớn còn rất nhỏ, thiếu vốn, không có điều kiện để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoặc đổi mới kỹ thuật, công nghệ, hầu hết công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thấp.
Lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ, khó có sức cạnh tranh với các ngành công nghiệp và mất thị phần trong lĩnh vực phân phối bán lẻ trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài. Vậy nên, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam mặc dù đã có những bước phát triển khả quan nhưng vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của kinh tế đất nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới, cần thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, phải coi kinh tế tư nhân là kinh tế nhân dân (kinh tế dân doanh), phát triển kinh tế tư nhân là phát huy vai trò năng lực làm chủ của nhân dân về kinh tế.
Hai là, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hưởng những ưu đãi về lãi suất, vay vốn, đào tạo, thuế, mặt bằng, thủ tục hành chính khi tham gia vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới; tạo lập môi trường thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản để kinh tế tư nhân không bị phân biệt đối xử trong sản xuất, kinh doanh.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, tiềm lực khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ, tạo điều kiện hình thành và phát triển hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, khuyến khích thúc đẩy cho giới trẻ khởi nghiệp.
Bốn là, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển và quản trị kinh tế tư nhân. Phát triển văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, hình thành một đội ngũ doanh nhân làm giàu chính đáng và có trách nhiệm với xã hội, thành lập các trung tâm thực hiện các chương trình đào tạo doanh nhân về kiến thức và kỹ năng quản lý doanh nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống giải quyết tranh chấp, xét xử, bảo vệ quyền sở hữu tài sản; đa dạng hóa, mở rộng các dịch vụ tư vấn kinh doanh, trọng tài kinh tế, thiết lập cơ chế đối thoại để giải quyết những vướng mắc và bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.