Giá lợn hơi liên tục lao dốc, hộ chăn nuôi cần làm gì để 'trụ vững'?
(DNTO) - Quan điểm "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn" không còn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh khi nguồn cung bị đứt gãy lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường ngoại, khiến các nông hộ "xây xẩm", chới với tìm "đầu ra" trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chịu cắt lỗ vẫn bế tắc đầu ra
Chỉ vài ngày sau khi TP.HCM, sau đó đến Đồng Nai và Bình Dương áp dụng giãn cách xã hội, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt... tại các địa phương này giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng do bán dưới giá vốn nhưng vẫn không tìm được người mua. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là cám, đang ở mức cao "phi mã". Cám cảnh này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất chăn nuôi của bà con, giải pháp "treo chuồng" sẽ không còn là viễn cảnh xa xôi.
Cụ thể, cập nhật giá lợn hơi hôm nay, 20/7, tại cả 3 miền đều đồng loạt giảm giá, có nơi giảm đến 5.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc điều chỉnh giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg và dao động quanh mức 56.000 – 59.000 đồng/kg. Trong đó, Bắc Giang giảm 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 57.000 đồng/kg. Cùng mức giá này còn có Hưng Yên và Hà Nam khi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi ghi nhận mức giảm sâu nhất, trong đó, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cùng giảm 5.000 đồng/kg, lần lượt xuống mức 53.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg...
Điều đáng nói, giá lợn liên tục bắt đáy trong khi chi phí chăn nuôi tăng phi mã khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt "ngấm đòn" nhất là những người chăn nuôi nhỏ lẻ.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá cám của Công ty Cargill và Tập đoàn C.P đã tăng 6 lần, mỗi lần tăng từ 280 - 380 đồng/kg, tính ra mỗi tháng đàn lợn của các trang trại "ăn" thêm gần 400 triệu đồng tiền cám so với thời điểm cuối năm 2020, do đó, nếu người chăn nuôi tính toán không chi li thì chỉ sẽ đối mặt với "lỗ" và "lỗ nặng".
Do đó, để tránh thua lỗ, nhiều hộ dân đã chọn giải pháp "treo chuồng".
Đơn cử như gia đình ông Đồng Văn Đệ ở Hương Sơn, Mỹ Đức, sau khi bán đàn lợn hơn 10 con hồi cuối tháng 6, đành để chuồng trống vì giá con giống cao.
“Giá lợn giống hiện nay hơn 2 triệu/con, còn giá cám đã 10 lần tăng giá, do đó, những người chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được con giống sẽ không có lãi. Nên tôi tạm dừng vào đàn mới, chờ nghe ngóng thị trường một thời gian nữa” – ông Đệ trần tình.
Hay như ông Nguyễn Minh Hải (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết lứa gà hơn 150.000 con đã đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái từ chối đến lấy hàng với lý do việc đi lại gặp khó khăn. Trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 28.000 - 29.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay, người chăn nuôi lỗ nặng.
"Dù lỗ nặng nhưng muốn bán cắt lỗ cũng không được do mức tiêu thụ tại TP. HCM đã giảm 30-40% kể từ khi thực hiện giãn cách, dẫn đến ùn ứ tại các trang trại, trong khi đó, gà vẫn phải cho ăn hàng ngày, giá bán ngày càng giảm nên thua lỗ ngày càng tăng" - ông Hải than thở.
Hộ chăn nuôi cần chuyển hướng sản xuất phù hợp để "trụ vững"
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm do thị trường tiêu thụ chậm. Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch bị ngừng trệ, các nhà hàng, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động…, điều này tác động trực tiếp đến việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Do đó, thời gian tới, các hộ chăn nuôi cần tính toán phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh rơi vào cảnh thua lỗ. Mặt khác, các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ có chính sách miễn thuế, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn để hạ giá thành bán ra thị trường.
"Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể cạnh tranh về giá thành sản xuất nên các địa phương cần khuyến khích người dân tạm thời chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác phù hợp với nhu cầu thị trường" - Thứ trưởng Tiến cho hay.
Cụ thể, trong bối cảnh phát triển hiện tại, chăn nuôi lợn nông hộ sẽ thu hẹp, do vậy cần chủ động chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác như: Gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản...
Hiện nay, về thức ăn chăn nuôi, Việt Nam đang có thế mạnh ở phần cho gia súc ăn cỏ. Thực tế, tổng sản phẩm phụ phẩm của Việt Nam có khoảng 20 triệu tấn có nguồn gốc từ hữu cơ có thể chuyển sang làm thức ăn thô xanh.
Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (bã sắn, cám gạo...). Đồng thời, chúng ta có 43 triệu tấn rơm là nguồn nguyên liệu rất quý để chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi.
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang bão giá thì các phụ phẩm này chính là nguồn rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi chăn nuôi và giúp tăng lượng sản xuất đối với gia súc ăn cỏ.
"Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine... để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định và cuối năm 2021 đạt hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.