Hơn 830 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ
(DNTO) - "Qua 6 năm thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi trên toàn quốc với tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ hơn 830 tỷ đồng, ngành chăn nuôi đã đạt nhiều kết quả tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp an sinh xã hội", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như thay đổi thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng từ 5-10%.
Đánh giá về thực thi của chính sách, tại Hội nghị trực tuyến "Tổng kết chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020", ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: "Qua 6 năm thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi trên toàn quốc với tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ hơn 830 tỷ đồng, ngành chăn nuôi đã đạt nhiều kết quả tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp an sinh xã hội".
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, nên mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành chăn nuôi vẫn giữ được đà tăng trưởng, khối thực phẩm đối với ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường trong nước, mà còn góp phần vào thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm 2020.
Tuy nhiên, Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 trong quá trình triển khai vẫn tồn tại những bất cập. Cụ thể, một số địa phương chưa chủ động được ngân sách địa phương: Đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 80% tổng đàn với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh không cao.
Ví dụ tại Trà Vinh, kinh phí đến tay đối tượng được hỗ trợ còn ít so với nhu cầu vốn hỗ trợ theo kế hoạch. Năm 2017, nhu cầu vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ lên đến gần 50 tỉ đồng, song kinh phí đã chuyển đến các địa phương chỉ đạt hơn 17,8 tỉ đồng và đến nay vẫn còn tồn trên 10,3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua con giống là các nông hộ ở vùng khó khăn như vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, chưa có cơ sở cung cấp con giống, phải phụ thuộc hoàn toàn các cơ sở ngoài tỉnh khiến chi phí đi lại, vận chuyển tăng gây bất lợi đối với nông hộ.
Vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ luôn là bài toán phức tạp của các vùng nông thôn, không thuận lợi khi áp dụng triển khai. Theo đó, việc chưa đủ điều kiện đảm bảo tuyệt đối về vệ sinh môi trường, chuồng trại, lo ngại về nguy cơ tái phát dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, đến nay vẫn chưa tái đàn...