Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn điệp khúc chậm
(DNTO) - Ngày 11/6, tại Hội nghị với các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) mới chỉ đạt 7,53% so với kế hoạch cấp thẩm quyền giao.
8/13 bộ ngành vẫn chưa giải ngân hết số vốn
Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, gần nửa năm trôi qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều Bộ, ngành và địa phương diễn ra khá chậm, thậm chí nhiều nơi còn chưa có kế hoạch giải ngân.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới chỉ đạt 7,53% so với kế hoạch cấp thẩm quyền giao.
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nói chung, cũng như nguồn vốn nước ngoài nói riêng đã ảnh hưởng tới thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác trong triển khai các chương trình dự án.
Theo Thứ trưởng, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư công cho các chương trình dự án, khẩn trương nhập phân bổ vào hệ thống TABMIS để kiểm soát chi.
"Tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài vẫn rất chậm. Theo đó đề nghị các chủ dự án, ban quản lý dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành điều kiện thanh toán để gửi đơn rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo chế độ quy định", Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thông tin, tính đến hết ngày 10/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Đáng lưu ý vẫn có 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân hết số vốn.
Hiện nay, các bộ, ngành vẫn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020. Từ ngày 1/1 đến 10/6, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 của các bộ, ngành là 2.187,7 tỷ đồng (gần gấp đôi số giải ngân theo kế hoạch vốn 2021).
Ông Long cho biết thêm, tính đến hết ngày 10/6, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.
Nguyên nhân nào khiến "bài toán"giải ngân mãi chưa có hồi kết?
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 và nêu các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này.
Theo đó, về nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn; ý kiến của nhà tài trợ trong xử lý, triển khai dự án chậm; vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ khu vực các nước có dịch Covid-19 bị ách tắc đã ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án.
Nguyên nhân chủ quan trực tiếp là từ các đơn vị chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó, chủ yếu là các dự án chưa hoàn thành thủ tục về đầu tư, chưa đủ điều kiện để ký hiệp định vay, chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện dự án; các dự án chưa hoàn thành về bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa có thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng...
Thêm vào đó, các dự án kéo dài, mất rất nhiều thời gian lại phải điều chỉnh dự án, liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có khi điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh về cơ cấu vốn, vấn đề tỷ giá hối đoái, điều chỉnh vốn dự phòng… làm cho quá trình thực hiện dự án kéo dài.
Đối với dự án ODA, các nội dung điều chỉnh liên quan đến vấn đề vay nước ngoài nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến trở ngại trong quá trình thực hiện.
Theo đó bàn về giải pháp tháo gỡ tình trạng giải ngân chậm, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải quyết liệt triển khai các dự án của mình. Trong đó, hoàn tất thủ tục đầu tư; triển khai về giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng để thu chi…