4 tháng: Giải ngân vốn đầu tư công cao nhất giai đoạn 2017-2021
(DNTO) - Các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2021 ước tính đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 6,6% so với kế hoạch năm 2021.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% kế hoạch năm và tăng 25,5%; vốn địa phương quản lý đạt 83,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,9% kế hoạch năm và tăng 14,8%.
“Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2021 và 4 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trước đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 20/4/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc giao và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến ngày 29/3/2021, bên cạnh một số Bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân đạt khá, vẫn còn 31 Bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch. Đáng chú ý là đối với vốn nước ngoài, duy nhất có Bộ Giao thông vận tải giải ngân, còn lại toàn bộ các Bộ, ngành và địa phương đều chưa giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành và địa phương báo cáo 4 nội dung.
Thứ nhất, kết quả phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giao vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Số vốn ngân sách nhà nước đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án; lý do chưa phân bổ.
Thứ hai, các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà năm 2021, đặc biệt vướng mắc, tồn tại cố hữu từ lâu nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Thứ ba, giải pháp đã triển khai trong thời gian qua để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ tư, đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ cao nhất; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật.
Các giải pháp đề xuất được phân thành 2 nhóm: Giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật (các quy định pháp luật liên quan đến các bước triển khai một dự án từ thủ tục đầu tư, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, thi công…); giải pháp về tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất giải pháp cho từng loại dự án (dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới, dự án thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước đảm bảo giải ngân nhanh theo đúng quy định).