Giá heo hơi giảm, người chăn nuôi lo lắng, không tái đàn
(DNTO) - Giá heo hơi giảm, giá con giống và giá cám tăng, trong khi lo ngại về dịch tả heo châu Phi vẫn hiện hữu khiến không ít hộ chăn nuôi lo lắng và chưa tái đàn.
Giá heo hơi giảm, heo nhập khẩu tăng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quý 1/2021, giá heo hơi trong nước có xu hướng giảm sau khi tăng trong tháng 1.
So với cuối năm 2020, giá heo hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào cuối tháng 3/2021 giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Xu hướng giảm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2021. Hiện giá heo hơi trên cả nước trung bình dao động trong khoảng 70.000 – 73.000 đồng/kg, giảm 2.000 – 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 3.
Giá heo hơi giảm trong bối cảnh nguồn cung đang dần phục hồi sau khi chịu tác động bởi dịch tả heo châu Phi và nhu cầu vẫn ở mức thấp.
Cũng theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 236,02 nghìn tấn, trị giá 464,37 triệu USD.
Trong đó, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 51,15 nghìn tấn, trị giá 116,59 triệu USD, tăng 118% về lượng và tăng 112,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nga là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam trong 4 tháng qua, đạt 22,14 nghìn tấn, trị giá 59,99 triệu USD, tăng 708,3% về lượng và tăng 369% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.709 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thịt heo của Nga chiếm 43,28% tổng thịt heo nhập khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là Canada với 19,08% và Brazil 8,76%.
Người chăn nuôi có bỏ đàn?
Ông Nguyễn Quang Thụy (ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, một tuần trở lại đây giá heo hơi dao động trong khoảng 63.000 tới 65.000 đồng/kg. Đây là giá thương lái mua để cung ứng cho TP.HCM. Nếu bán cho người mua lẻ, giết mổ bán trực tiếp tại các chợ ở Gia Kiệm, Đồng Nai thì có giá 67.000 tới 68.000 đồng/kg.
Theo ông Thụy, giá này giảm từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng. Cộng thêm giá cám đã tăng 60.000 đến 70.000 đồng/bao 25kg khiến người chăn nuôi không có lời.
Tuy nhiên, theo ông Thụy, người chăn nuôi như ông không thể bỏ đàn bởi đó là nghề kiếm cơm của gia đình, của bản thân, bỏ cũng không biết làm gì. Trong khi số vốn đầu tư vào chuồng trại trước đó khá lớn.
Theo đó, biện pháp trước mắt của ông là không tăng đàn, không tái đàn thêm.
"Trang trại của tôi hiện nuôi khoảng 50 con heo nái và 80 con heo chuẩn bị xuất chuồng. Dịch tả heo châu Phi vẫn rình rập nên thực sự tôi rất lo lắng, lỡ dịch bùng lên nữa là coi như trắng tay, hoặc nhẹ thì lỗ nặng" - ông Thụy chia sẻ.
Ông Đào Hữu Thuận, một hộ chăn nuôi khác cũng ở Gia Kiệm cho biết, giá heo hơi hiện nay ở mức 68.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng - 4.000 đồng/kg so với 1-2 tháng trước.
Trong khi đó, giá heo giống tăng lên 4,4 triệu – 4,5 triệu đồng/con 20kg, cám tăng lên 320.000 đồng/bao 25kg. Ông Thuận cho rằng, những hộ chăn nuôi không phải mua heo giống, tức có đàn nái thì không lỗ, còn nếu phải mua heo giống, thêm cám nữa thì chắc chắn lỗ.
Dù vậy, những hộ chăn nuôi như ông rất khó để bỏ đàn heo bởi đó hầu như là kế sinh nhai duy nhất. Vì vậy, giải pháp trước mắt là giữ đàn, không tái đàn và cố gắng chăm sóc, phòng chống dịch tả heo châu Phi để duy trì đàn heo nái, cũng như đàn heo hơi.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá thức ăn tăng, giá heo hơi xuống sẽ khiến người chăn nuôi chùn bước, xem xét việc tái đàn, cân đo lợi nhuận. Tuy nhiên, việc bỏ chuồng, bỏ đàn ngay thì chưa diễn ra.
"Nếu tình trạng này kéo dài một thời gian nữa mới biết người chăn nuôi có tiếp tục cầm cự, duy trì được đàn heo hay bỏ đàn. Hiện Đồng Nai vẫn là địa phương có sản lượng và số đầu con ổn định" - ông Đoán nói thêm.