TP.HCM chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động
(DNTO) - Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, ngày 21/7 thành phố ngưng hoạt động thêm một chợ là chợ An Hội, quận Gò Vấp, do liên quan ca mắc Covid-19. Như vậy, tính đến hôm nay chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động tại TP.HCM.
Theo đó, có tới 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…), đã khôi phục hoạt động như chợ Nguyễn Tri Phương (ngày 1/7), chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương (ngày 17/7) ở quận 5.
Quận 11 có chợ Bình Thới (ngày 9/7), chợ Phú Thọ (ngày 16/7) đã hoạt động trở lại.
Quận Bình Tân có chợ Kiến Thành (ngày 19/7); và huyện Bình Chánh có chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (ngày 19/7).
Ngoài ra, các quận, huyện cũng đã tổ chức một số điểm bán nhỏ. Gồm quận 12, huyện Củ Chi…
Trước việc các chợ truyền thống đóng cửa nhiều hơn, hôm nay Sở Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức hoạt động chợ.
Theo đó, Sở đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo, quán triệt các ban quản lý chợ tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đồng thời tổ chức kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn theo các phương án sở đã hướng dẫn.
Về cách thức tổ chức kinh doanh, đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, bảo đảm thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp hay thực hiện phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào; tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung và bảo đảm việc giãn cách khi kinh doanh, mua sắm.
Nếu địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hoạt động các chợ truyền thống, chính quyền địa phương căn cứ theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân lập các điểm bán với quy mô nhỏ tại khu vực chợ hoặc các điểm bán với địa điểm phù hợp trong các khu dân cư để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống, rau củ quả.
Trong trường hợp cần thiết, địa phương có thể rà soát các khu vực phù hợp để tổ chức điểm bán trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sở khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong tổ chức hoạt động của chợ và lưu trữ thông tin liên quan nhằm phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết khi cần thiết.