Hàng hóa Tết: Doanh nghiệp vẫn đang 'nghe ngóng' sức mua từ thị trường
(DNTO) - Hiện nay đã bước vào mùa sản xuất hàng hóa Tết. Không ít đơn vị đã có kế hoạch sản lượng cụ thể, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một số đơn vị vẫn đang chờ sức mua của thị trường trước khi chốt sản lượng cụ thể.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết hiện nay sức mua của thị trường rất yếu. Vì vậy, mặc dù Ba Huân đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để sản xuất ở mức đủ và thừa cho thị trường nhưng vẫn chưa chốt số lượng cụ thể.
“Chúng tôi đang sản xuất cầm chừng để cung ứng cho thị trường hiện tại. Hàng hóa Tết cố gắng chờ thêm ít ngày nữa xem sức tiêu thụ của thị trường sao thì mới quyết định sản lượng. Tuy vậy, tôi e rằng sản lượng sẽ thấp hơn năm ngoái”, bà Phạm Thị Huân nói.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM – đơn vị chuyên cung ứng trứng gia cầm cũng cho biết, hiện nay cũng đang “nghe ngóng” sức mua từ thị trường để quyết định sản lượng cung ứng dịp Tết này.
Trong khi đó, thông tin từ Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, dự kiến Tết 2022 đơn vị sẽ cung cấp ra thị trường 2.860 tấn hàng tươi sống, tăng 8% so với cùng kì năm ngoái; ngành hàng chế biến sẽ là 4.225 tấn, tăng 6% so với cùng kì năm ngoái.
Cũng theo đại diện các doanh nghiệp, thiếu lao động hiện là bài toán đau đầu.
Bà Phạm Thị Huân bày tỏ, hiện nay chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất hàng hóa Tết nhưng thiếu 20% lao động so với dịp Tết hàng năm. Để bù đắp lực lượng lao động thiếu, theo bà Huân, công ty vận hành và tối ưu hóa máy móc thiết bị.
Ông Trương Chí Thiện chia sẻ, hiện nay Vĩnh Thành Đạt đang thiếu khoảng 15% so với trước đây. Cụ thể, nếu chỉ tính lao động trực tiếp sản xuất thì trước đây công ty có khoảng 200 người, nay còn khoảng 170 người.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất mì gói tại quận Tân Phú cũng cho biết, việc thiếu khoảng 30% lao động đang khiến đơn vị phải gấp rút đăng tuyển để kịp cho mùa sản xuất hàng hóa cuối năm.
Nói về giá cả hàng hóa dịp cuối năm ông Trương Chí Thiện cho rằng, việc tăng giá gas, giá xăng trong thời gian vừa qua đã tác động mạnh lên doanh nghiệp và sẽ tác động trực tiếp lên giá cả hàng hóa.
“Hiện nay một số chi phí đã tăng gồm: hộp nhựa, phí vận chuyển và lương công nhân. Mặc dù chi phí tăng cao nhưng do sức mua hiện nay quá yếu nên chúng tôi chưa dám tăng giá trứng, nhưng cũng không thể gồng mãi được, có thể cuối tháng này thì giá trứng sẽ tăng mạnh”, ông Thiện chia sẻ.
Bà Phạm Thị Huân thì cho rằng hiện nay chưa dám tính tới chuyện tăng giá vì sức mua quá thấp.