Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn thời gian tới
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, những doanh nghiệp yếu chưa được quan tâm hỗ trợ. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới.
Sáng nay 12/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh. Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; khó khăn về vấn đề lao động. Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp, theo ông, đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất.
Bộ trưởng Dũng tin rằng, tại các khu công nghiệp phía nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I/2022, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn.
Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế.
"Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tính toán sử dụng công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để phục hồi kinh tế
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), về công cụ chính sách cho chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng hai kịch bản cho kinh tế, có hoặc không có chương trình phục hồi, từ đó xác định các tỷ lệ về mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản.
Bộ KH&ĐT đang cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tính toán sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ thế nào cho phù hợp, dựa trên đánh giá khả năng hấp thụ kinh tế và thu xếp nguồn vốn.
Trong đó, Bộ trưởng Dũng cho biết, quan điểm trong xây dựng chính sách là mạnh dạn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế, vừa duy trì tăng trưởng, tăng GDP, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn nợ công, bội chi ngân sách.
“Công cụ quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, nợ xấu, điều hành linh hoạt cung tiền, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.