Hỗ trợ doanh nghiệp cần các giải pháp mạnh và thực chất bằng 'tiền tươi thóc thật'
(DNTO) - Có những quy trình, thủ tục hỗ trợ, doanh nghiệp làm rất mất công mất sức, cần chứng minh, thậm chí chứng minh đến hàng tập hồ sơ, nhưng số tiền nhận được lại quá ít, nên cuối cùng doanh nghiệp phải bỏ cuộc.
Quy trình, thủ tục nhiều nhưng số tiền nhận lại quá ít
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại và lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN “vượt bão” Covid-19, tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phản ứng của Chính phủ khi đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ là khá nhanh, nhưng khi thực thi vẫn còn có vấn đề. Chẳng hạn, ngay từ tháng 3/2020, chúng ta đã có các nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ DN khi dịch mới xảy ra, nhưng có những chính sách (như hỗ trợ DN vay quỹ để trả lương cho công nhân) thì đến tháng 10/2020 vẫn chưa có DN nào vay được và cho đến nay, số DN có thể tiếp cận được nguồn vay này là rất ít.
Tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của DN cũng còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của DN.
Lấy ví dụ cụ thể về chính sách thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, các chính sách mới thực hiện tích cực từ phía “giảm thu”, chưa “tăng chi” để hỗ trợ DN và người dân. Mức độ hỗ trợ còn ít vì chính sách “giảm thu” thì DN nào còn doanh thu mới được thụ hưởng, trong khi nhiều DN hiện đã không còn nguồn thu, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng hạn chế.
“Một số chính sách hỗ trợ mới đang thiết kế ở mức giãn, hoãn, không phải giảm. Nên DN cần các nhóm giải pháp mạnh hơn, phải là “tiền tươi thóc thật”, bởi nhiều chi phí tài chính vẫn như “quả bom” treo lơ lửng đối với DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định.
“Có những quy trình, thủ tục hỗ trợ, DN làm rất mất công mất sức, cần chứng minh, thậm chí chứng minh đến hàng tập hồ sơ, nhưng số tiền nhận được lại quá ít, nên cuối cùng DN bỏ cuộc”, bà Thủy cho biết. Do thủ tục khó khăn nên các DN thường đặt ra câu hỏi “có đáng để làm hay không” khi so thời gian và công sức bỏ ra với khoản tiền hỗ trợ có thể nhận được.
Lấy ví dụ cụ thể về chính sách liên quan đến ngân hàng, dù thời gian qua đã có hướng dẫn, tuy nhiên, bà Thủy cho biết, nhiều DN phản hồi quá trình thực hiện ở phía ngân hàng còn chưa đồng nhất. Việc tiếp cận được chính sách từ khối ngân hàng còn khoảng cách với những quyết sách. Thậm chí cả khi chính sách đã sửa đổi rồi nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai.
“Vừa qua, Ban IV đã thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng giao đó là đánh giá tình hình thực hiện các quy trình thủ tục trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Qua đánh giá thì thấy có vô vàn “than phiền” liên quan đến việc các thủ tục thiết kế không thuận lợi, trong đó có cả thủ tục về thuế, phí, lệ phí, cả thủ tục trong khối ngân hàng, hồ sơ thủ tục còn phức tạp", bà Thủy cho biết.
Cần có kênh đánh giá độc lập và kiểm chứng các chính sách hỗ trợ
Lý giải về nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, bộ máy thực thi chính sách chưa tốt như mong muốn, chất lượng thực thi không đồng đều. Do đó, DN mong muốn việc thiết kế chính sách phải làm sao để DN thực hiện được. Hơn nữa, các chính sách cần “thân thiện” bằng cách quy định đơn giản, dễ hiểu cũng như có cơ chế giải quyết vướng mắc cho DN.
“Ngành Thuế nên có biện pháp giải đáp vướng mắc về thuế cho DN. VCCI hiện sắp có cổng thông tin để tháo gỡ cho DN về vấn đề này cũng như cố gắng hệ thống hóa chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương dễ hiểu, đơn giản hơn”, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay.
Khẳng định chính sách đưa ra chắc chắn sẽ có những điểm chưa phù hợp, nhưng theo ông Tuấn, quan trọng là phải kịp thời sửa đổi (như hiện nay có những chính sách hỗ trợ không hợp lý, song mất 6-7 tháng mới sửa thì quá chậm). Đồng thời, Nhà nước cũng cần có kênh tiếp nhận phản hồi, đánh giá độc lập và kiểm chứng các chính sách hỗ trợ, không để như thời gian qua, nhiều cơ quan quản lý chỉ ban hành chính sách là xong nhiệm vụ.
“Việc triển khai thực tế, mức độ thụ hưởng còn thấp thì dù chính sách nêu ra tốt đẹp đến đâu cũng không còn nhiều ý nghĩa”, ông Tuấn thẳng thắn.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đề xuất một giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà DN đều được thụ hưởng, đó là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật còn gây phiền hà, chồng lấn. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.