Đã đến lúc mọi startup, doanh nghiệp phải có tiêu chí tạo tác động xã hội
(DNTO) - Theo chuyên gia, những startup, doanh nghiệp có các tiêu chí tạo tác động xã hội sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đối tác, cộng đồng, đây là một yếu tố tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra hiệu ứng làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân về sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM với 14.000 người từ 9 quốc gia tham gia cho thấy, 90% người được khảo sát trả lời rằng, đại dịch đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Trong đó, 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% cho biết sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới Nhà đầu tư thiên thần Việt Nam cho biết, đã đến lúc xóa bỏ sự phân chia startup và startup xã hội, bởi tất cả startup trong góc nhìn của nhà đầu tư đều phải mang đến tác động đối với xã hội chứ không chỉ các doanh nghiệp xã hội. Vì để xác định khả năng tăng trưởng của startup, các nhà đầu tư sẽ đánh giá startup có mang lại tác động đến xã hội đủ lớn hay không.
Đặc biệt, những sáng kiến giúp giải quyết ngay lập tức những rủi ro do Covid-19 gây ra, hướng tới các đối tượng cụ thể, không chỉ những người yếu thế mà có cả những doanh nghiệp đang khó khăn trong tồn tại và phát triển… đều là những mô hình được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, ví dụ như các giải pháp chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi số, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Sau đại dịch Covid-19, yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng được đề cao, do vậy, yếu tố tác động xã hội sẽ trở thành xu hướng kéo theo các vấn đề kinh doanh.
Cũng theo bà Vân, tại Việt Nam, các bạn trẻ khởi nghiệp theo mô hình tạo tác động xã hội sẽ hướng tới hình thành doanh nghiệp xã hội hơn là một startup thực thụ. Vì vậy, họ sẽ thiên về việc kể những câu chuyện hay, những câu chuyện mang tác động đến xã hội. Tuy nhiên, những vấn đề cốt yếu của doanh nghiệp như quản trị, marketing, phát triển sản phẩm… để có thể phát triển bền vững, tạo ra doanh thu tốt, giúp cho doanh nghiệp phát triển trong tương lai thì lại ít được chú trọng.
“Đó là vấn đề khó khăn cho nhà đầu tư khi nhìn startup ở Việt Nam mang tính xã hội cao. Vì vậy những người làm startup xã hội nên nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp vì đây là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư rót tiền. Ngược lại, với những startup thông thường, khi trao đổi với nhà đầu tư nên trình bày các yếu tố tác động xã hội để thu hút họ”, bà Vân cho hay.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sau đại dịch Covid-19, yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng được đề cao. Do vậy, yếu tố tác động xã hội sẽ trở thành xu hướng kéo theo các vấn đề kinh doanh, đây là lưu ý cho các bạn trẻ khi lựa chọn mô hình kinh doanh.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, hiện nay, thế hệ trẻ đang sống trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0 nên có nhiều kỹ năng tốt về công nghệ, có thể sử dụng, ứng dụng công nghệ để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, do nhận thức về các vấn đề xã hội chưa đủ, nên khi khởi nghiệp phần lớn thất bại.
“Vì vậy cần có sự truyền thông đúng để các bạn trẻ khởi nghiệp hiểu rằng, những vấn đề mà các bạn đang giải quyết đủ lớn và trùng với các vấn đề mà đại bộ phận cộng đồng cần”, ông Quất cho hay.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nặng nề, suy thoái tài nguyên… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, buộc con người phải có trách nhiệm trong tiêu dùng và cuộc sống. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh việc đảm bảo lợi nhuận, doanh thu cũng phải chú trọng đến việc đảm bảo sự hài hòa với môi trường, xã hội.
Nghiên cứu từ Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh”, “sạch” có thể đạt mức tăng trưởng tới 4%/năm.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), hiện nay, các đối tác nước ngoài, đặc biệt là đối tác châu Âu khi tìm bạn hàng hay tìm mua sản phẩm rất chú trọng đến vấn đề tiêu dùng bền vững. Vì vậy, trong giai đoạn các doanh nghiệp tái khởi động như hiện nay, cần quan tâm đến việc thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.