TS. Vũ Tiến Lộc: Phải có cơ chế về các thủ tục đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp
(DNTO) - Bàn về kế hoạch phục hồi nền kinh tế giai đoạn tới, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngoài việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, cần phải có giải pháp phi tài chính – tức là có cơ chế về thủ tục đặc thù, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư toàn xã hội.
Hôm nay, 8/11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống Covid-19. Nhiều ý kiến sát sườn để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch đã được các đại biểu thảo luận.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế giai đoạn tới, cần phải hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như có giải pháp phi tài chính – tức là có cơ chế về thủ tục đặc thù để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư toàn xã hội.
Theo đó, cần rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Phải làm sao để việc cải cách thể chế cũng được giải quyết thần tốc như phòng, chống dịch mới giúp doanh nghiệp phục hồi.
“Dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính rất cấp bách, song không thể lơ là nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để nền kinh tế không 'lỡ nhịp" với thiên hạ”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị và cho rằng, chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích kỹ hơn về chính sách tài khóa và tiền tệ, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết khác với các nước trên thế giới, tại Việt Nam nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh tại doanh nghệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, do đó hàm chứa nhiều rủi ro.
“Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo về áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, cho nên biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ 2-3% lãi suất cũng như tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính", đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Tuy nhiên, về đầu tư công, ông Lộc bày tỏ lo ngại việc phân bố dàn trải và quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào các dự án kém hiệu quả.
“Tôi đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất, để hỗ trợ cho nền kinh tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công – tư trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích.
“Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước đừng quá vì an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong phương thức này. Đây chính là chìa khóa để thúc đẩy quan hệ đối tác công tư thời gian tới, để huy động nguồn lực của toàn xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để tiếp tục "trợ lực" cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) kiến nghị Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.
"Các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa. Bên cạnh đó, Chính phủ chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép đến đa mục tiêu. Cần thêm mục tiêu an sinh, y tế, an ninh lương thực, an sinh xã hội, năng lực trước các cú sốc bên ngoài", đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị.
Mở rộng thị trường là nhiệm vụ sống còn
Nêu giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị phải tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng.
Thứ nhất, cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.
Thứ hai, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Đại biểu cho rằng, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô.
Ba là, phát triển, mở rộng thị trường. Theo đại biểu, đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương.
Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số, xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.