Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh thần tốc mới giúp doanh nghiệp 'vượt bão' Covid-19
(DNTO) - Các doanh nghiệp đang thấm đòn đại dịch. Lúc này, nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế… là động lực vô hạn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Làm sao việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh được giải quyết thần tốc như phòng, chống dịch mới giúp doanh nghiệp phục hồi.
Giữ được niềm tin của doanh nghiệp là điều hệ trọng của nền kinh tế
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Chúng ta đang sống trong tâm bão Covid-19 lần thứ tư, với những khó khăn chồng chất, khó đoán định. Các doanh nghiệp đang thấm đòn đại dịch trên tất cả các phương tiện; các lĩnh vực như du lịch, hàng không… bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện 87,2% doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.
“Tuy nhiên, mỗi lần đất nước rơi vào khó khăn thì niềm tin là quan trọng nhất để giúp vượt qua khó khăn. Giữ được niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường đầu tư kinh doanh là điều hệ trọng của nền kinh tế”, ông Lộc bày tỏ.
Theo lãnh đạo VCCI, muốn giữ vững niềm tin, bên cạnh công tác phòng, chống dịch hiệu quả, thì việc giữ vững tài chính, đảm bảo thanh khoản, mở cửa thị trường, đẩy mạnh thể chế… cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Dẫn lại số liệu từ Tổng cục Thống kê về hoạt động doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, với 70.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm, tăng 35% so với cùng kỳ 2020; bình quân 11.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng… là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
“Vì vậy, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh được Chính phủ triển khai. Chúng tôi cho rằng, cùng các biện pháp hỗ trợ như có gói kích thích kinh tế, giảm, giãn thuế, thì việc nỗ lực khơi thông thị trường, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… là động lực vô hạn, giúp doanh nghiệp sống sót và phục hồi. Tuy nhiên, làm sao để việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế được giải quyết thần tốc như phòng, chống dịch bệnh thì phục hồi doanh nghiệp mới hiệu quả”, ông Lộc thẳng thắn bày tỏ.
Vẫn sáng lấp lánh tinh thần nhân văn của doanh nghiệp trong đại dịch
Ông Lộc cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp đứng trước những nghiệt ngã như thời điểm hiện nay. Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phần đông phải cầm cự. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chấp nhận hy sinh, nỗ lực gồng gánh để bảo đảm việc làm cho người lao động.
“Đó là hành động nhân văn của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trong bức tranh chung, dù có gam màu nào thì vẫn có ánh sáng lấp lánh của sự nhân văn cao cả của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đại dịch Covid-19, dấu ấn mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp không chỉ là nỗ lực bứt phá, mà chính là giá trị nhân văn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…”, ông Lộc bày tỏ tại “Diễn đàn trực tuyến: Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi", do VCCI tổ chức chiều 8/7.
Theo ông Lộc, tinh thần nhân văn này của doanh nghiệp rất cần cơ quan truyền thông truyền tải để lan tỏa những năng lượng tích cực. Chủ tịch VCCI mong muốn, báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” đồng hành cùng doanh nghiệp và đóng góp hơn nữa vào cải cách môi trường kinh doanh.
Khẳng định sự hợp tác của doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi, ông Lộc nhấn mạnh: Trong bối cảnh ấy, báo chí đã phát huy vai trò tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần vào cuộc chiến toàn dân "chống dịch như chống giặc" mà Chính phủ đưa ra.
Đặc biệt, tiếng nói của doanh nghiệp được báo chí lắng nghe, đồng cảm và phản ánh một cách trung thực, kịp thời, qua đó giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người lao động ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong chiều 8/7, Ban Tuyên giáo Trung ương và VCCI đã tổ chức Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh (lần thứ IX).
Trong suốt 8 năm qua, Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh đã góp một góc nhìn mới mẻ, mang tới cho cộng đồng xã hội cái nhìn sâu sắc về tầng lớp doanh nhân; là cơ hội để vinh danh những doanh nhân tiêu biểu, những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế của đất nước.
Bài viết dự thi là tác phẩm đã được đăng chính thức trên các phương tiện báo in và báo điện tử từ ngày 13/10/2020 đến ngày 15/9/2021. Bài viết phải phản ánh được những chuyển biến, vướng mắc về môi trường kinh doanh nói chung và những cải cách kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp.
Giải thưởng chương trình gồm: 1 giải A: 20 triệu đồng + hiện vật; 2 giải B, mỗi giải 10 triệu đồng + hiện vật; 3 giải C, mỗi giải 5 triệu đồng + hiện vật; 5 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng + hiện vật.