Còn bị cản trở bởi các chính sách, doanh nghiệp rất khó để phục hồi và phát triển
(DNTO) - Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu còn bị cản trở bởi các chính sách và không được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ rất khó để phục hồi và tiến tới phát triển tốt hơn trong tương lai.
Phải khẩn trương “cởi trói” cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse (Shark Phú), cho biết đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, đóng cửa.
“Nếu doanh nghiệp không có kịch bản tốt sẽ vô cùng khó khăn, bởi hiện các doanh nghiệp đang gặp thách thức về tài chính. 3 tháng đóng cửa, gần như đầu ra của doanh nghiệp mất đến 5%. Nếu không dự phòng tốt, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ tài chính”, Shark Phú chỉ ra những khó khăn doanh nghiệp gặp phải.
Cũng theo Shark Phú, với doanh nghiệp nhỏ, khi dịch bùng phát, gần như các doanh nghiệp mất đầu ra, mất nguồn thu, khi họ dùng hết nguồn lực, tài chính gần như cạn kiệt. Để quay lại phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần có chính sách hỗ trợ là giảm, giãn, hoãn thuế.
“Doanh nghiệp với cơ chế cạnh tranh sẽ tự tìm đường đi cho mình, nhưng nếu còn bị cản bởi các chính sách thì sẽ rất khó khăn. Về phía Sunhouse, chúng tôi đã kiến nghị nhiều để khơi thông điểm nghẽn chính sách, nhưng chưa suy chuyển. Bản chất gốc rễ ở đâu? Theo tôi là cơ chế. Phải khẩn trương cởi trói cho doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào hạ tầng, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững...”, Shark Phú bày tỏ.
Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng cho rằng, giải pháp quan trọng hiện nay là làm sao tạo động lực để cán bộ nhà nước dám xả thân, làm sao khơi được điểm nghẽn này. Bởi theo ông Phú, có rất nhiều cuộc họp tháo gỡ, nhưng bản chất vẫn không xử lý được. Nguyên nhân là do cán bộ an toàn, không dám sáng tạo, không dám đổi mới.
“Phải có cơ chế chính sách đi sâu vào doanh nghiệp, giúp tăng năng lực cạnh tranh, khi đó doanh nghiệp mới có khả năng thâm nhập thị trường toàn cầu”, ông Phú nói.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong số các kênh hỗ trợ sự phục hồi của cả doanh nghiệp và người dân, kênh được quan tâm nhiều nhất vẫn là gói hỗ trợ thứ hai, với tổng ngân sách 26.000 tỷ đồng, được thiết kế với mục tiêu kép là “Đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phục hồi, ổn định sản xuất và kinh doanh”.
Ở góc độ chuyên gia, bà Phạm Chi Lan cho biết, trong đợt dịch lần 4, các doanh nghiệp đã gặp phải 3 yếu tố bất ngờ, bao gồm: Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và đại dịch bùng phát ở những trung tâm lớn của đất nước; giãn cách xã hội kéo dài quá mức trong khi có những thay đổi về chính sách liên quan tới kiểm soát đại dịch khiến các doanh nghiệp khó bắt kịp và thực hiện; chi phí tuân thủ tăng quá cao. Từ đó, các doanh nghiệp cảm thấy hoang mang không biết nên phục hồi như thế nào.
Quan điểm của bà Phạm Chi Lan là gói hỗ trợ quy mô còn nhỏ, phân tán, thủ tục nhận hỗ trợ còn phiền hà, triển khai còn kém và chậm, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin. “Các doanh nghiệp mong muốn có gói hỗ trợ đủ lớn, đủ dài hơi, triển khai nhanh hơn, bao gồm cả hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa, vì phần lớn các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường trong nước”, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể phục hồi và tiến tới phát triển tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, môi trường kinh doanh cũng cần cải thiện, chi phí tuân thủ cần giảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, và cải cách hành chính là rất cần thiết để giải phóng nguồn lực cần cho quá trình phục hồi.