TS. Vũ Tiến Lộc: Tầm vóc của doanh nhân thể hiện qua sự đóng góp cho xã hội
(DNTO) - Đội ngũ doanh nhân đã và đang trở thành một lực lượng "rường cột" trong công cuộc phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nhân đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
Trải qua 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân ngày càng hoàn thiện về chất và lượng, đang trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Doanh nhân luôn tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế, từ đó hình thành một đội ngũ doanh nhân là những “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” - những “chiến sĩ thời bình”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Doanh Nhân Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), xung quanh những việc làm, đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, cùng với đó là những khó khăn cũng như giải pháp đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Phóng viên: Từng gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp nhiều năm, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ đối với nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới?
TS.Vũ Tiến Lộc: Qua 4 đợt càn quét của "bão Covid-19" đã cướp đi bao sinh mạng và tàn phá nghiêm trọng "sức khoẻ" nền kinh tế Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã phát động cuộc chiến "chống dịch như chống giặc", coi việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng của người dân là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách hàng đầu, cùng với đó, việc “chống suy thoái” kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân, “chống giặc đói”, giữ được an dân, bảo vệ an toàn hệ thống, cũng là điều hệ trọng.
Trong bối cảnh ấy, chính các doanh nghiệp, doanh nhân đang là người chiến sĩ tiên phong ở tuyến đầu thắp lên tinh thần "người lính trên mặt trận kinh tế", với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tầm vóc của doanh nhân không đánh giá bằng tài sản, mà đánh giá bằng đóng góp, cống hiến của họ trong xã hội. Gần 2 năm qua, dù không nằm ngoài tác động của dịch Covid-19, bất chấp lỗ lãi, các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19, cho các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo, những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng… Đó là những nghĩa cử rất đáng khuyến khích, tôn vinh.
Thực hiện chủ trương cùng vốn ngân sách nhà nước, với tiềm năng của mình, lực lượng DN và doanh nhân đã có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo. Họ là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, nâng cao trình độ phát triển kinh tế, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng tiến bộ.
Đặc biệt, trong những năm qua, họ là những thành viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, thực hiện chính sách vĩ mô kinh tế của Chính phủ, góp phần rất quan trọng trong việc khắc phục lạm phát kinh tế, chống giảm phát.
Đội ngũ doanh nhân ngày một trưởng thành, tiến bước theo kịp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh: Nghĩa vụ thuế, môi trường... Những đóng góp tích cực đó đã được ghi nhận bằng nhiều hình thức thi đua khen thưởng, điển hình là các anh hùng lao động, tập thể anh hùng, nhiều doanh nghiệp được tặng thưởng các huân - huy chương của nhà nước...
Đây là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông).
Không những thế, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
* Cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để khôi phục, phát triển doanh nghiệp thời gian tới, theo ông giải pháp trước mắt là gì. Và bản thân doanh nghiệp cần làm gì để tự cứu mình?
- Trở lại với bài toán cơm áo gạo tiền thời Covid-19, chúng ta đã có quyết định đúng đắn nhưng rất khó khăn, đó là “mở cửa” nền kinh tế, sống chung an toàn với dịch. Đây là cỗ máy “trợ thở” vô cùng quý giá đối với các doanh nghiệp trong cơn nguy kịch, giúp họ kết nối lại với bầu khí quyển, với thị trường để tái khởi động sản xuất kinh doanh.
Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và một năng lực cạnh tranh cốt lõi. Trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao. Tâm thế của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: “Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà phải tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”. Và để sống chung với dịch Covid-19 cũng cần một cách tiếp cận như vậy.
TS. Vũ Tiến Lộc
Hiện nay, để cứu doanh nghiệp thì cần “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, "doanh nghiệp đau, cả nền kinh tế ốm". Do đó, đòi hỏi Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho DN "đủ liều" và "thực chất" hơn.
Đơn cử như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để "tổng lực" tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để trợ lực DN vượt khó khăn...
Đặc biệt, việc yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các ngân hàng cũng là DN kinh doanh, nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất như hiện nay trong tình cảnh các ngân hàng cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính.
Theo đó, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng. Đồng thời cần thúc đẩy DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.
Đối với các DN, tôi khuyến nghị, DN cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số. Cách mạng 4.0 chỉ là công cụ, cần có thêm các công nghệ khác cộng hưởng số hóa. Tiếp đến là "xanh hóa", xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Và yếu tố nữa là "xã hội hóa" DN. Đây là định hướng chiến lược mà DN cần tính đến.
Như vậy có thể khẳng định, "số hóa, xanh hóa và xã hội hóa", là 3 yếu tố trụ cột rất quan trọng mà các DN phải xây dựng.
Đã qua rồi cái thời các doanh nghiệp chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng, ngày nay các nhà kinh doanh phải hướng tới mục tiêu phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với người lao động, với đối tác, với bạn hàng, với xã hội, với cộng đồng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp để tự cứu lấy mình trước những "cơn bão" khủng hoảng.
* Về lâu dài, ngoài câu chuyện hỗ trợ vốn, theo ông, Chính phủ cần có chính sách gì dài hơi nhằm giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển?
- Đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng chúng ta có niềm tin sẽ vượt qua đại dịch bằng đổi mới sáng tạo, bằng những mô hình kinh doanh mới, khả năng cạnh tranh mới chứ không thể theo mô hình cũ. Có thể trong hai, ba năm tới mới khống chế được đại dịch, vì thế chính sách hỗ trợ và phục hồi kinh tế cần cả những chính sách hỗ trợ dài hơi hơn và tạo sự bứt phá.
Với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Không thể kỳ vọng Việt Nam có thể so sánh với các nước giàu với ngân sách dồi dào, sẵn sàng bơm hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, ngoài gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, thì giải pháp tháo gỡ hiện nay là cải cách thể chế, đây chính là gói hỗ trợ còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các doanh nghiệp.
Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Qua đó cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Và đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
* Ông đặt kỳ vọng gì vào thế hệ doanh nhân trẻ đối với nền kinh tế Việt Nam?
- Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam lại càng to lớn hơn. Chính doanh nghiệp và doanh nhân là nhân tố quan trọng quyết định vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong môi trường hội nhập. Và đây chính là lúc bản lĩnh doanh nhân phải được thể hiện hơn bao giờ hết.
Dù phía trước còn vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng với những gì đạt được, thế hệ doanh nhân mới được kỳ vọng đủ sức làm ra những thương hiệu Việt, với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội. Đây là một thế hệ kinh doanh chuyên nghiệp, bài bản, một thế hệ không ồn ào nhưng thực chất, đủ sức đương đầu với hội nhập và xây dựng nền kinh tế tự chủ.
TS. Vũ Tiến Lộc
Tôi tin rằng, với lợi thế là tuổi trẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, khát khao cháy bỏng được khẳng định bản thân, đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển của đất nước và cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội, thành quả mà thế hệ doanh nhân trẻ đạt được hôm nay cho chúng ta niềm hy vọng về một thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng "vượt sóng lớn" vươn mình ra thế giới.
Phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ tạo nên một thế hệ doanh nhân trẻ mới, thế hệ doanh nghiệp 4.0. Chúng ta cần nhìn vào cơ hội và thách thức để xác định nội dung chính phát triển trong 20 năm tới.
“Cỗ xe tam mã”: kinh tế tư nhân - chuyển đổi xanh- chuyển đổi số sẽ là động lực phát triển của đất nước này. Rất có thể, trong lĩnh vực quản trị tài chính, nhân sự, công nghệ hay tiếp thị…, thì doanh nhân của chúng ta còn rất nhiều thời gian để khép lại khoảng cách so với các nền kinh tế hàng đầu, nhưng trong định hướng phát triển một nền kinh tế nhân văn, sáng tạo thì doanh nghiệp Việt có điểm trội để vượt lên.
Đó là tố chất của “Đồng bào” ta, của con người, và xã hội Việt Nam, là thương hiệu nội sinh là năng lực cạnh tranh của làng doanh nhân Việt. Hãy tin ở thế hệ doanh nhân Việt – Hãy tin ở hoa hồng.