TS Vũ Tiến Lộc: 3 tháng tới sẽ quyết định sự an toàn của nền kinh tế Việt Nam
(DNTO) - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, 3 tháng cuối năm sẽ quyết định sự an toàn của nền kinh tế Việt Nam. Nếu chậm chân, không đảo chiều được xu thế thì nền kinh tế sẽ tiếp tục âm sâu, ảnh hưởng đến sự an toàn tới nửa năm, thậm chí cả năm sau.
Tại Hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Dự báo kinh tế quý 4 triển vọng năm 2022”, diễn ra ngày 1/10, TS Vũ Tiến Lộc đã có những chia sẻ tâm huyết. Ông bày tỏ: Lần đầu tiên trong lịch sử suốt hai thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III năm nay ước tính âm đến 6,17% so với quý III năm ngoái.
“Vẫn biết rằng tăng trưởng âm một vài % là điều có thể. Nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP.HCM và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới hai con số. Và xu hướng này, theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm", ông Lộc nói.
Khái quát về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua, ông Lộc cho biết, bình quân 1 tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nghiêm trọng hơn, ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động, phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng". Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 94% doanh nghiệp trong cả nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phía Nam có tới 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ.
"Phần lớn các danh nghiệp nói rằng họ không thể trụ được trong 3 đến 6 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện. Trong quý 3/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Chỉ trong 100 ngày, đội quân thất nghiệp tăng 2,4 triệu người. Doanh nghiệp và nền kinh tế đang vô cùng khó khăn. Do vậy, việc giải cứu doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách lúc này", ông Lộc nhấn mạnh.
Các FDI không thể chờ đợi. Khi các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư sẽ do dự.
TS Vũ Tiến Lộc
Theo ông Lộc, với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 tuần qua, dịch bệnh được kiểm soát bước đầu tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác. Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn vàng có thể nới lỏng giãn cách và mở cửa thị trường để tái khởi động nền kinh tế.
Nguyên Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, 3 tháng cuối năm, 100 ngày tới sẽ là thời gian vàng và cũng là thách thức với nền kinh tế Việt Nam. “Nếu chúng ta không đảo chiều được xu hướng thì có nghĩa nền kinh tế tiếp tục âm sâu và không biết bao giờ mới khôi phục lại được. Mở cửa là con đường không thể khác được, mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả vô cùng lớn. Rất may là chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đang kiểm soát tốt, nhưng quan trọng phải có quyết tâm”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc phân tích về sự cấp bách của việc mở cửa lúc này: Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng. Trong khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng.
Theo ông Lộc, năm nay đầu tư nước ngoài tăng trưởng chút ít, nhưng nhiều dự án sản xuất kinh doanh trong kế hoạch phải dừng lại. 20 - 30% các đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển đi trong những tháng qua. Nếu thời gian này – khi mùa Noel và mùa tết đã bắt đầu, mà chúng ta không khôi phục sản xuất, chưa mở cửa kinh tế và ký hợp đồng cho năm tới thì đương nhiên sẽ không có những hợp đồng đó. Nên nguy cơ không mở rộng được quy mô, không chuyển được đơn hàng đi là hiện hữu.
“Các FDI không thể chờ đợi. Khi các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư sẽ do dự. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta hồi phục lại bước đầu sản xuất, kinh doanh an toàn, sống chung với dịch, thì nhà đầu tư FDI sẽ yên tâm, họ sẽ nói với chủ nhãn hàng rằng Chính phủ Việt Nam đã mở cửa, có lộ trình rõ ràng, và nhà đầu tư có lộ trình để thích ứng với sự thay đổi đó”, ông Lộc cảnh báo.
Về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động và phục hồi, ông Lộc đề nghị cần triển khai theo 5 hướng. Thứ nhất là mở cửa thị trường, bởi đây là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Ba là thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh.
Ngoài ra, cần triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Cuối cùng, ông cho rằng nên tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc tin tưởng rằng, sự giảm tăng trưởng GDP trong quý 3 chỉ là nhất thời, tăng trưởng GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường và kích hoạt nền kinh tế được thực hiện một cách mạnh mẽ.