Ngân sách nhà nước 'ngấm đòn' từ dịch Covid-19
(DNTO) - Theo số liệu của Bộ Tài chính, tháng 9, thu NSNN ước đạt 65.200 tỷ đồng, giảm khoảng 17.000 tỷ đồng so với tháng 8. Điều này cho thấy tác động nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ 4 tới tình hình ngân sách, dù dịch bệnh đã dần được kiểm soát và có chuyển biến tích cực tại nhiều địa phương.
Thu nội địa sụt giảm mạnh
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng qua, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 76,5% dự toán và ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 84,7% dự toán.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 872.280 tỷ đồng, đạt 77% dự toán, tăng 5,9%. Theo Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,... được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 4/2021 đến nay, diễn biến thu nội địa có chiều hướng giảm. Trong đó, thu nội địa từ thuế, phí (không kể yếu tố gia hạn) từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, trong 9 tháng qua, nguồn thu này ước đạt 175.300 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán và tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2020 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 284.600 tỷ đồng, bằng 90,3% dự toán, tăng 24,5% so cùng kỳ, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm tăng (trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế lũy kế 9 tháng ước tăng 33,14% so cùng kỳ) và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 109.300 tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh so với tháng trước, cụ thể số thu tháng 8 giảm 19,1% so với tháng 7; số thu tháng 9 giảm 13,6% so với tháng 8.
NSNN đã chi 29.100 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, NSNN đã chi ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 218.550 tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 725.300 tỷ đồng, bằng 70% dự toán…
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng qua được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến hết tháng 9, NSNN đã chi 29.100 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Trong đó, NSTW đã chi 16.350 tỷ đồng và các địa phương đã chi 12.750 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, về tổng thể cân đối NSNN 9 tháng có thặng dư, tuy nhiên, cân đối NSTW có bội chi, NSĐP thặng dư lớn. Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Liên quan tới các giải pháp bù đắp hụt thu NSNN trong bối cảnh hụt thu do dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 9, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động làm giảm thu và tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch. Theo đó, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN năm 2021. Đồng thời, tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng chống Covid-19, giảm áp lực cho cân đối NSNN.