Bộ trưởng Tài chính: Chính sách tài khoá được điều hành linh hoạt để 'xốc' lại nền kinh tế
(DNTO) - "Thời gian qua, chính sách tài khóa đã được điều hành một cách mềm mỏng, linh hoạt để yểm trợ cho chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần "xốc" lại nền kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.
Linh hoạt chính sách tài khóa, đảm bảo cân đối ngân sách
Trong 10 tháng qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, chính sách tài khóa, với việc miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân được đánh giá là một trong những chính sách hiệu quả nhất, giúp doanh nghiệp, người dân vượt “bão” Covid-19.
Chiều 9/11, phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2021 đã hoàn thành, thu ngân sách vượt dự toán đề ra, chi ngân sách đảm bảo bám sát dự toán, bội chi ngân sách được đảm bảo theo quy định 4% của Quốc hội.
"Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như phòng, chống dịch bệnh, với tổng mức khoảng 200 ngàn tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
“Một trong những yếu tố tác động rất quan trọng đó là chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành có sự tham gia vào cuộc rất tích cực của Quốc hội, là điều kiện cho chính sách tài khóa ban hành kịp thời, linh hoạt, nhạy bén, đáp ứng yêu cầu thực tế và xử lý các tình huống đột xuất, khó khăn, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội ở các lĩnh vực”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Phân tích cụ thể các chính sách hỗ trợ mà người dân, doanh nghiệp được hưởng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, riêng Nghị định 52 đã giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỷ đồng, Nghị định 92 đã giảm 21.300 tỷ đồng và các vấn đề liên quan, Quỹ Vaccine được gần 9.000 tỷ đồng...
“Có thể nói là chính sách tài khóa được điều hành một cách mềm mỏng, linh hoạt để yểm trợ cho chính sách tiền tệ góp phần "xốc" lại nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói và giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, về ý kiến cho rằng dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, dư địa không còn nhiều, vì trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỷ đồng, thì giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến vay 3,068 triệu tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.
Nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020 có nghĩa là nợ công đến năm 2025 theo đánh giá là khoảng 45,6% GDP theo cách tính GDP mới, nếu tính theo GDP cũ sẽ nằm ở mức 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%. Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8%, nhưng nếu đánh giá theo GDP cũ sẽ là 53,1%, có nghĩa cũng vượt ngưỡng 45%.
Cũng theo bộ trưởng Hồ Đức Phớc, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo cân đối ngân sách đã được Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên không thể chủ quan trước tình hình, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định trong điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, làm tiền đề quan trọng tạo đà cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
"Tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đấy quay trở lại thu ngân sách. Tăng bội chi trong năm nay, thì giảm bội chi trong các năm sau, như vậy trong cả giai đoạn, chúng ta vẫn đảm bảo được.
Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20 ngàn tỷ đồng, hai năm khoảng 40 ngàn tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, từ đó tăng thu, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Đẩy mạnh chi để phục hồi kinh tế
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đã khiến sức chống chịu của doanh nghiệp tới ngưỡng. Vì vậy, để tiếp sức cho doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục trong bối cảnh mới, ngoài tiếp tục các chính sách đang triển khai, sẽ “mạnh tay” hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện việc này, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay, phải ưu tiên ngân sách lo cho nhiều tỉnh nghèo.
Dư địa chính sách chúng ta vẫn còn và tốt hơn nhiều so với trước đây, thể hiện qua lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Cùng với đó, bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cao gấp 4-5 lần so với 10 năm trước. Về tiền tệ, ngoài lãi suất, nên tập trung mở cung tiền, tăng tín dụng nhiều hơn và có những gói tín dụng đặc biệt. Đây có thể là những giải pháp tài khoá hữu hiệu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Về tỷ lệ điều tiết của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai: Đối với TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017-2021 tỷ lệ điều tiết là 18% và năm đó tổng chi ngân sách là 60.369 tỷ đồng, bình quân 7,1 triệu đồng/đầu người, thì đến năm 2021 tổng chi là 69.092 tỷ đồng, tức là bình quân 7,4 triệu đồng/đầu người.
Đến năm 2022, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chúng ta xây dựng là 84.121 tỷ đồng, bình quân 8,8 triệu đồng/đầu người. Như vậy, chênh lệch cao hơn so với năm ngoái là 15.029 tỷ đồng.
Đối với Đồng Nai, năm 2021 chi ngân sách là 19.721,6 tỷ đồng, bình quân là 6,1 triệu đồng/người. Năm 2022, kế hoạch chi ngân sách xây dựng là 21.257,3 tỷ đồng, bình quân 6,5 triệu đồng/người, chênh lệch cao hơn là 1.535,7 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải tỷ lệ điều tiết, mà trong bối cảnh đại dịch tác động ngày càng nặng nề thì mức chi ngân sách không được thấp hơn năm trước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với ý kiến đề nghị cần tăng tính chủ động của ngân sách Trung ương để khơi thông dòng tiền hỗ trợ doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Chính trị đã giao Chính phủ xây dựng đề án phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương đồng thời sửa Luật ngân sách nhà nước vào thời gian tới.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thu về cho ngân sách, những khoản thu vẫn còn dư địa mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp, tập trung vào tăng thu trong nền tảng số, mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới...
Ngoài ra, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN năm 2021.
Đôi khi tăng thu không tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP
Đối với ý kiến của ĐBQH liên quan đến thu NSNN năm 2022 chỉ tăng 3,4% và tỷ lệ huy động chỉ ở mức 15,1%, thấp hơn so với kế hoạch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, có những giai đoạn đột xuất bất thường, các cơ chế chính sách thay đổi, tốc độ thu NSNN không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Thực tế, giai đoạn 2011-2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,25% thì thu NSNN chỉ đạt 2,2%, hay năm 2020 GDP tăng 2,91% nhưng thực tế thu nội địa chỉ đạt 1,6%, trong đó khu vực doanh nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã thảo luận với các bộ, ban, ngành và các địa phương rất kỹ, nên mong ĐBQH ủng hộ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Với ý kiến cho rằng, năm nay khó khăn như vậy thì tăng thu ở khoản nào, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu nội địa tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như: truy thu thuế nhà thầu của Fomosa được 2.257 tỷ đồng và xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm là 2.457 tỷ đồng, thu NSNN đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng, phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ và một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 22.800 tỷ đồng như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính ngân hàng và hoạt động sáp nhập chuyển nhượng vốn… thu dầu thô cũng tăng 12 nghìn tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu tăng 10,5 nghìn tỷ đồng.