Ngân sách đối diện với rủi ro: Nguồn thu hẹp dần, cửa chi 'phình' ra
(DNTO) - Trước bão Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nghĩa vụ thuế. Do đó, bài toán cân đối thu-chi ngân sách nhà nước phải rất nỗ lực, linh hoạt để vừa đảm bảo nhiệm vụ được giao, vừa tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Áp lực giảm thu, tăng chi
Mặc dù nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021, nhưng Bộ Tài chính lại khá thận trọng khi nhận định, bên cạnh những thuận lợi, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức.
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát, sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách trong thời gian tới” - Bộ Tài chính chỉ rõ.
Điều này thể hiện qua diễn biến thu ngân sách trong các tháng gần đây có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, khiến thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4/2021, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6% và tháng 7/2021 ước giảm 10,4%.
Đề cập đến những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh thu, từ đó cũng ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN).
“Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, dự báo sẽ còn kéo dài, như vậy cộng đồng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước” - ông Phòng nói.
Theo góc nhìn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, không chỉ đối diện với rủi ro giảm thu NSNN bị động do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mà để tiếp sức cho doanh nghiệp, nhiều khoản thu nộp vào ngân sách đã và đang được lên kế hoạch giảm thu một cách chủ động.
Cụ thể như, thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền đất theo Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 2/8, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 67.194 tỷ đồng.
Ngoài các chính sách tài khóa đã triển khai, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, tính chung số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng, trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng...
Không những rủi ro về giảm thu NSNN, mà nghịch lý tăng chi để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch cũng đang đặt ra cấp bách.
Có thể kể đến như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Trung ương đã chi 4.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế. Các địa phương cũng đã chi gần 2.400 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch...
Không những thế, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế về tình hình dịch bệnh Covid-19, về hoạt động của doanh nghiệp cũng như thị trường để xem xét, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp.
Ông Cao Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên trong năm 2021 chắc chắn sẽ có tác động làm giảm thu, tăng chi NSNN trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao, tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế có khả năng thu vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách nêu rõ.“Nếu không có các biện pháp kiểm soát nghiêm, chặt chẽ hơn trong điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi, thì sẽ tác động bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh và kết quả thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN những tháng cuối năm 2021”.
Bài toán thu - chi: Cần nỗ lực và linh hoạt
Từ những khó khăn nội tại cũng như khách quan, dự báo trong các tháng tới đây việc thực hiện giãn, hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu NSNN, chưa kể diễn biến dịch Covid-19 vẫn khó lường, cần phải chi NSNN nhiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ, phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu NSNN.
Cụ thể, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như dịch vụ điện tử, Facebook, Google, Grab...
Đẩy nhanh việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu điện tử để chống mua bán hóa đơn, bỏ lọt nguồn thu, hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Song song đó, thời gian tới, cơ quan thuế các cấp cần siết chặt quản lý việc hoàn thuế.
Đặc biệt, cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, góp phần thu đúng, thu đủ về ngân sách, phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Lấy phát triển kinh tế để chống dịch hiệu quả.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế cần bố trí, huy động nhân sự đảm bảo hiệu quả cả về tiến độ cũng như chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra. Các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế cần kịp thời báo cáo lãnh đạo tổng cục về tiến độ, kết quả, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã chỉ đạo toàn ngành Hải quan tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, đảm bảo thu đúng, thu đủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm gian lận thuế, lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Trong dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế chưa phù hợp thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp.
Giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021- 2025, cần tính toán đảm bảo cho chi phòng dịch, chi đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng chi đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia. Cần giảm hơn nữa chi thường xuyên để dành nguồn cho chi đầu tư phát triển bằng các biện pháp như tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm.