TS. Cấn Văn Lực: Cần gói cứu trợ 'tiền tươi thóc thật' để vực doanh nghiệp
(DNTO) - Cuộc chiến chống Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, theo đó, chính sách hỗ trợ đúng, trúng và thực chất bằng "tiền tươi thóc thật" để giảm gánh nặng tài chính là điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất vào lúc này.
Dưới tác động của đại dịch Covid -19, đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh thì ngoài việc kéo dài thời gian áp dụng các chính sách hiện tại, cần phải có chính sách mạnh mẽ, thực chất để vực doanh nghiệp phục hồi.
Về vấn đề này, tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
"Sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách", ông Vinh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng nhìn lại năm qua chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nên cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.
Cụ thể, cần thực hiện mạnh mẽ 2 nhóm thủ tục đồng thời, bởi nếu dòng chảy này dc khơi thông tốt sẽ là "gói tiếp sức" đặc biệt cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi.
Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động như: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu như: hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.
"Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, khiến doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai của các Bộ, ngành lại chưa thống nhất", ông Tuấn nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Các Bộ ngành cần xem xét giảm số nhóm sản phẩm, giảm số lượng dòng hàng cần kiểm tra và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm tra theo xác suất.
“Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ ngành. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Hiệp hội ngân hàng sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và giảm phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tổng thể, ông Hùng cho rằng, cần chính sách đồng bộ cũng như rất cần sự kết hợp nhuần nhuyễn của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để "xốc" lại doanh nghiệp.
"Cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp, nhiều quốc gia cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, bởi muốn nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách thì phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp", ông Hùng nhận định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa như Chính phủ tăng "vay tiền" ngân hàng trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu để tạo nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các gói hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa thật sự "thẩm thấu" doanh nghiệp.
Cụ thể, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm, nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng, tương đương 6% (tính đến hết tháng 9/2021). Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng. Tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt nhất là đối với lao động tự do còn thấp.
Theo đó, ông Lực đưa ra hai kịch bản về phương án hỗ trợ. Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp từ 1 đến 2% GDP, tương đương 80 đến 160 nghìn tỷ đồng. "Đây là hỗ trợ tài khóa, "tiền tươi thóc thật", chứ không phải tiền giãn, hoãn thuế mà chúng ta công bố. Đây là tiền chi thực tế, bởi suy cho cùng, gánh nặng tài chính vẫn treo lơ lửng, nên đây là điều các doanh nghiệp thực sự mong mỏi trong lúc này để hạ nhiệt dòng tiền", ông Lực cho hay.
Cũng theo ông Lực, gói hỗ trợ này sẽ "đánh vào" tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công, tăng nghĩa vụ trả nợ của chính phủ so với tỉ lệ thu ngân sách, nhưng theo tính toán, tất cả đều trong ngưỡng an toàn, và chính sách tài khoá hoàn toàn còn dư địa để hỗ trợ.
Thứ hai, về dư địa về chính sách tiền tệ. Theo ông Lực, ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành mà nên tiếp tục chấp nhận giảm biên lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp phục hồi tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời nên cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn từ nay đến cuối năm với quy mô 125%.