Chính phủ sẽ làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022?
(DNTO) - Trong 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ cho biết sẽ coi việc vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Nguy cơ suy giảm tăng trưởng vẫn tiềm ẩn
Trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Chính phủ cũng dự báo tình hình quốc tế, trong nước đan xen những thuận lợi và thách thức nhưng về cơ bản, khó khăn, thách thức nhiều hơn do dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.
Chính phủ cũng cho biết, mặc dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Do vậy, đối với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu từ Chính phủ
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Chính phủ cho biết sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022 là thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, với việc nâng cao năng lực y tế và đẩy mạnh tiêm chủng vaccine.
Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác sẽ tiếp tục được Chính phủ điều hành linh hoạt để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư.
Cơ chế, chính sách cho các hoạt động, mô hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sẽ từng bước được hoàn thiện, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nói chung.
Về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cho biết sẽ phê duyệt đề án cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực quan trọng chịu tác động của dịch Covid-19 theo hướng khai thác hiệu quả không gian tăng trưởng mới và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu... Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức đối tác công tư.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thu hút nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ; phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch trong năm 2022.
Trong các giải pháp hỗ trợ người lao động, Chính phủ nhấn mạnh việc sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng thiết chế văn hoá ở các khu công nghiệp.
Để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật đất đai (sửa đổi).
Về quản lý nhà nước, Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tinh gọn bộ máy. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, siết chặt kỷ luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm sai phạm và làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đặt ra các giải pháp bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do (FTA).