CPI và mối lo ngại lạm phát của các nền kinh tế; áp lực kiểm soát lạm phát 4% của Việt Nam
(DNTO) - Khi giá hàng hóa như thực phẩm, quần áo và xăng dầu đang tăng lên, điều lo ngại là chỉ số tiêu dùng giảm (CPI). Sự xói mòn sức mua của người tiêu dùng bởi tác động của Covid-19 đang gây ra mối lo ngại lạm phát cho các nền kinh tế, không loại trừ Việt Nam.
"Lạm phát" là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên các bản tin kinh tế trên khắp thế giới trong thời gian qua, khiến nhiều người quan tâm. Từ đầu tháng 10/2021, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 4,9% và lạm phát sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm 2022, cảnh báo tác động tiêu cực của lạm phát có thể gia tăng, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, kìm hãm đà phục hồi.
Tuy nhiên, kết quả báo cáo về chỉ số tiêu dùng và chỉ số lạm phát ở các nền kinh tế không đến nỗi đáng lo ngại. Niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên. Theo báo cáo của Conference Board (ngày 26/10), chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức 113,8 vào tháng 10/2021 so với mức 109,8 vào tháng 9. Chỉ số này cao hơn mức ước tính 108,0 từ các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ý kiến. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% tổng hoạt động kinh tế ở Mỹ, vì vậy các nhà kinh tế học rất chú ý đến các con số để có ý tưởng tốt hơn về những gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế quốc gia.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell cho biết, chuỗi cung ứng rối ren và tình trạng thiếu hụt vốn đã kìm hãm nền kinh tế Mỹ kể từ mùa hè đã trở nên tồi tệ hơn, có khả năng sẽ khiến lạm phát tăng cao vào năm 2022. Sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 10 đã gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích, những người thường dự kiến sẽ có đợt giảm thứ tư liên tiếp.
Lynn Franco, Giám đốc Cấp cao về các chỉ số kinh tế tại Conference Board cho biết, sự gia tăng niềm tin có thể là do người Mỹ đang giảm bớt lo ngại về Covid-19. Tuy lo ngại lạm phát ngắn hạn đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, nhưng người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn trong quý cuối cùng của năm nay.
Lynn Franco nói: “Tỷ lệ người tiêu dùng có kế hoạch mua nhà, ô tô và các thiết bị chính đều tăng trong tháng 10, một dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát hàng năm bất ngờ giảm xuống 0,7% vào tháng 9/2021 từ 0,8% một tháng trước đó và so với ước tính của thị trường là 0,9%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3, chủ yếu do giá lương thực giảm mạnh hơn (-5,2%) với giá thịt lợn giảm nhanh hơn (-46,9%). Trong khi đó, giá phi thực phẩm ít thay đổi (2% so với 1,9% trong tháng 8), do chi phí cho giao thông và liên lạc (5,8% so với 5,9%), nhiên liệu và tiện ích (1,3% so với 1,1%), hàng gia dụng và dịch vụ (0,5% so với 0,6%), và giáo dục, văn hóa (3,2% so với 3%).
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng CPI năm 2021 khoảng 3%, so với mức 3,5% của năm ngoái. Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng không đổi trong tháng 9, thiếu dự báo về mức tăng 0,3% và sau khi tăng 0,1% vào tháng 8/2021.
Trong khi đó, tại khu vực đồng tiền chung EU, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9 từ mức 3% một tháng trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Giá tăng chủ yếu do chi phí năng lượng tăng, phần lớn là sự đảo ngược của đợt giảm giá dầu diễn ra trong đại dịch Covid-19, nhưng tác động từ các nút thắt trong chuỗi sản xuất và vận chuyển khiến giá hàng hóa tăng 2,3% so với tháng 8/2021.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung tâm EU (ECB) với giá khí đốt tự nhiên tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng tác động đến mọi thứ, từ sản xuất xe hơi đến sản xuất máy tính, lạm phát có thể chạm mức 4% vào cuối năm nay.
Cùng với chỉ số tiêu dùng và lạm phát thế giới “nhấp nhổm” tăng như đề cập ở trên, tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân quý 3/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm.
Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021. Chỉ số tiêu dùng CPI phản ánh sinh động bức tranh tổng thể của nền kinh tế, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong vấn đề thu hút đầu tư.
Theo chỉ số lạm phát được dự báo bởi IMF và thực tế những lo ngại gia tăng lạm phát trên toàn cầu trong thời gian tới, cùng với những tác động về giá xăng dầu, gas, thép, cũng như những nút thắt trong chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ từ đây đến cuối năm có thể là một áp lực.