Chủ tịch FPT Telecom: ‘Chính phủ hãy là người dùng lớn nhất về công nghệ’
(DNTO) - Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, Chính phủ nên là người dẫn đường trong việc áp dụng công nghệ vì những bài học thành công và chưa thành công trong việc ứng dụng công nghệ số ở Chính phủ sẽ là bài học cho doanh nghiệp.
Chính phủ phải đi trước
Mở đầu bài phát biểu của mình trong Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" chiều 18/10, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom không giấu nổi cảm xúc khi nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn 1 tuần. Cụ thể, trong 5 điều nói về vấn đề phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ dành 2 điều nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ và vai trò của dữ liệu.
“Đối với người làm công nghệ, tôi vô cùng ngạc nhiên về điều này. Đặc biệt, trong hội nghị hôm nay, sự có mặt của Google – ‘ông vua’ của dữ liệu trên thế giới cho thấy sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đối với kinh tế số”, ông Tiến chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch FPT Telecom, khi nói đến kinh tế số, không thể bỏ qua tầm quan trọng của dữ liệu và việc chia sẻ dữ liệu, để làm được điều này, các dữ liệu phải được quản lý tập trung, phải được khai thác. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào công tác chống dịch thời gian qua chưa thành công là do không thống nhất, không chia sẻ được dữ liệu. Những bài học thành công và chưa thành công trong việc ứng dụng công nghệ số của Chính phủ sẽ là bài học cho doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng, đầu tiên Chính phủ hãy là người dùng lớn nhất về công nghệ, về ứng dụng công nghệ, về dữ liệu, tự khắc thị trường công nghệ sẽ phát triển. Những ngành phi truyền thống khi ứng dụng công nghệ thì họ sẽ nhìn việc Chính phủ ứng dụng công nghệ như thế nào.
Chúng tôi đang làm trực tiếp với những doanh nghiệp thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, những doanh nghiệp cơ khí hay những doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp thì đều thấy, người Việt Nam rất năng động, linh hoạt, sẵn sàng học cái mới. Tôi hoàn toàn có niềm tin trong những năm tới, những ngành phi truyền thống là những ngành ứng dụng công nghệ tốt hơn rất nhiều những doanh nghiệp công nghệ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm Chính phủ phải là người tiêu dùng lớn nhất cho thị trường công nghệ, ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, dưới góc độ tiếp cận từ phía cầu, trong nền kinh tế, Chính phủ là bên sẽ tác động rất lớn đến cầu công nghệ và với vai trò là “người đi trước” sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP; đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Với vai trò người làm chính sách, ông Thịnh kỳ vọng kinh tế số tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dựa vào nền kinh tế số, nhiều tập đoàn sẽ nhanh chóng lớn mạnh.
“Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Viettel, những năm 2000, doanh thu chưa tới vài triệu USD, nhưng chỉ sau vài năm, doanh thu của họ tăng lên vài tỷ USD”, ông Thịnh nêu ví dụ.
4 nhóm vấn đề cần quan tâm trong nền kinh tế số
Kiến nghị để phát triển nền kinh tế số Việt Nam, Chủ tịch FPT Telecom mong muốn Chính phủ, các cơ quan liên quan đặt trọng tâm vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ nhất, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Bởi trong vòng 5-7 năm tới, sẽ có khoảng 70% trong số 2,7 triệu công nhân may, hơn 1,7 triệu công nhân giày da, gần 1 triệu công nhân liên quan đến lĩnh vực lắp ghép điện tử… mất việc làm do bị người máy thay thế. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng số cho hàng triệu người lao động trẻ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ.
“Nếu trước dịch Covid-19, người ta vẫn còn băn khoăn về việc đưa người máy vào nhà máy Việt Nam thì tôi dám khẳng định, sau dịch Covid-19, hàng loạt người máy sẽ được đưa vào các nhà máy, vì giá người máy hiện giảm đi rất nhiều, từ 300.000 USD xuống còn 40.000 USD. Khi đó, con người không có cách nào đua được với năng suất, thời gian làm việc liên tục của người máy”, ông Tiến cho hay.
Thứ hai, đào tạo nhân lực công nghệ thành “công dân toàn cầu”. Bởi hiện nay, thế giới đã phẳng, chỉ riêng FPT đang có 20.000 người làm việc cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore. Vì vậy, mục tiêu có 1 triệu người trẻ tài năng hoàn toàn có thể đạt được để cạnh tranh với thế giới về trình độ công nghệ. Lúc này, vai trò của các cơ quan chức năng, nhà trường và cả doanh nghiệp đều được thấy rõ.
Thứ ba, đào tạo cho những người làm chủ, là những người đứng đầu cơ quan nhà nước, địa phương, chủ các doanh nghiệp về việc ứng dụng công nghệ số trong công việc.
“Phải là đào tạo chứ không phải dự hội thảo. Vì tôi chứng kiến rất nhiều hội thảo dành cho các nhà lãnh đạo, thời gian tham dự chỉ một thời gian ngắn thì không hiệu quả”, ông Tiến nói.
Thứ tư, phải đào tạo cho học sinh, sinh viên. Sau đại dịch Covid-19, học sinh cũng học được cách học online như thế nào. Việt Nam hiện có gần 20 triệu học sinh, sinh viên, phải đưa vào phương pháp giáo dục mới. Đây không chỉ là việc của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo, mà phải có sự tham gia của cả xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp.