Chủ tịch FPT: Mong doanh nghiệp Đức nhìn Việt Nam như ‘điểm đến đầu tư công nghệ số’
(DNTO) - Việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19.
Chia sẻ trong Phiên họp thứ nhất Ủy ban Hỗn Hợp Việt Nam Đức về Hợp tác kinh tế, chiều 12/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức, luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai bên.
“Bộ Công Thương luôn hướng đến tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các doanh nghiệp Đức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bởi đây chính là những nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía Đức tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng của các tập đoàn công nghiệp lớn của Đức, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảngbền vững cho nền công nghiệp Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thành lập “Trung tâm chuyển đổi số sản xuất” để có thể nắm bắt các cơ hội trong thời đại công nghiệp 4.0.
Là một doanh nghiệp đã hợp tác sâu sắc với các đối tác Đức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, nhờ việc “bắt tay” với các doanh nghiệp Đức trong các dự án tiêu biểu đã triển khai như việc sáp nhập và mua bán đơn vị công nghệ thông tin của Tập đoàn Năng lượng RWE; hợp tác cùng Siemens để phát triển nền tảng MindSphere và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các đối tác, hay việc xây dựng nhà máy thông minh cho Tập đoàn Thiết bị Ô tô Schaeffler mà FPT đã nhanh chóng nắm bắt được tiêu chuẩn, mong muốn của các doanh nghiệp Đức, và được học hỏi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm đã có với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Vị Chủ tịch FPT cũng cho biết, khi dịch Covid-19 cản trở di chuyển và họp trực tiếp, hình thức webinars (họp trực tuyến) cho phép các doanh nghiệp chia sẻ những câu chuyện và giải pháp thực tiễn vượt khủng hoảng bằng các cách thức đổi mới sáng tạo.
“Chính trong gian khó, rất cần chung sức chung lòng, cần những ‘liên minh kinh doanh’ tương trợ mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước. Chúng tôi mong muốn tổ chức một chuỗi các webinars để tìm cơ hội cùng vượt khó với cộng đồng doanh nghiệp Đức về các chủ đề công nghệ được quan tâm, như trí tuệ nhân tạo, nhà máy thông minh, triển khai chuyển đổi số,...” , ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ về những ưu thế vượt trội của Việt Nam như dân số trẻ dồi dào, tinh thần xã hội học tập, tốc độ tăng trưởng cao, chính trị bình ổn, ông Trương Gia Bình mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Đức nhìn nhận Việt Nam như một “điểm đến đầu tư công nghệ số”.
Và để làm được việc này, ông Bình cho rằng vai trò xúc tiến, trợ lực của Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Kinh tế Đức rất quan trọng. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực số có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế là nhân tố tiên quyết bảo đảm thành công của nền kinh tế số.
“Muốn làm cách mạng phải có lực lượng, với trải nghiệm của cá nhân tôi về nền giáo dục chất lượng đẳng cấp quốc tế của Đức, tôi tin rằng Việt Nam và Đức sẽ cùng tạo ra giá trị lớn khi hợp tác triển khai đào tạo nguồn nhân lực 4.0 chất lượng cao”, chủ tịch FPT cho hay.
Về phía Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ trưởng và Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier cho biết, Việt Nam là quốc gia ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức trên thế giới. Chính phủ Đức cũng như Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức sẽ hỗ trợ hết sức để thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác thương mại và công nghiệp, trong đó có Hiệp định EVFTA nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa hai bên.
“Các thỏa thuận hợp tác thương mại và công nghiệp cũng sẽ là cơ chế giúp đỡ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp hai bên thâm nhập thị trường của nhau, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cả hai bên đều phải nỗ lực hợp tác hơn nữa để đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Peter Altmaier nhấn mạnh.
Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Đức vào ngày 12/1 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Atmaier.
Tại Khóa họp này, hai bộ trưởng đã trao đổi khả năng hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp 4.0, chế biến chế tạo, năng lượng, giáo dục – đào tạo nghề.
Hai bộ trưởng cũng nhất trí trong thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy cơ chế phản ứng nhanh (Fast Track) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai bênsao cho hiệu quả và hữu ích hơn nữa.
Kết thúc phiên họp, hai bộ trưởng đã thống nhất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới và ký kết Biên bản Phiên họp thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Đức, đồng thời xác định thời gian cho phiên họp thứ hai trong năm 2022.