Khi người máy vẽ và bán tranh nghệ thuật
(DNTO) - Một tác phẩm nghệ thuật vừa được bán với giá gần 700.000 đô la. Tuy nhiên điểm độc đáo lại nằm ở nhân thân tác giả. Bởi đây được xem là tác phẩm hội họa kỹ thuật số đầu tiên được tạo ra nhờ công đóng góp của một... người máy.
Sophia là cô nàng người máy được ra tạo ra vào năm 2016. Hình nhân robot này nhanh chóng thành “người” của công chúng khi trở thành một trong các gương mặt đại diện cho những doanh nghiệp tên tuổi như Audi, Huawei hay Etihad Airlines và một số thương hiệu khác. Sophia cũng từng là nhà báo khi trực tiếp phỏng vấn nữ thủ tướng Đức, là người mẫu khi xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York và tham gia cả showbiz khi lên sóng “The Tonight Show”.
Giờ đây, robot Sophia lại tiếp tục gây tiếng vang lớn trong thế giới nghệ thuật khi tác phẩm hội họa kỹ thuật số mà cô nàng hợp tác sáng tạo chung với một nghệ sĩ Ý được bán với giá 688.888 USD. Đồng thời chính Sophia cũng tự hào về thành quả này khi phát biểu xem đó là một thành công lớn, cũng như rất vui khi thấy tác phẩm được đánh giá cao.
Thương vụ này là bước ngoặt mới nhất trong cơn cuồng sở hữu các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số giao dịch bằng tiền điện tử trên thị trường. Một công ty liên kết với nhà sản xuất rô-bốt cho biết, những kiểu mua bán này đã manh nha từ năm 2018, và khi cơn sốt bùng nổ giá trị tiền ảo thời gian gần đây, lần đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật ra đời từ đóng góp của trí tuệ nhân tạo được đấu bán với giá khủng.
Một vài doanh số bán hàng gần đây trong thế giới tiền ảo đã làm lu mờ giá trị tính theo tiền truyền thống của nhiều tác phẩm nghệ thuật do các họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới múa cọ. Điển hình, một file hình tranh mang tên Beeple do nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann thực hiện đã được Christie’s bán trong một cuộc đấu giá trực tuyến gần đây đến 70 triệu USD, tăng chóng mặt so với giá khởi điểm chỉ 100 USD.
Các tác phẩm bán chạy khác còn có Nyan Cat (hình trên) vẽ theo phong cách hoạt hình điện tử được bán với giá khoảng 580.000 đô la, hay một đoạn clip mô tả siêu sao LeBron James cản phá một cú ném banh trong trận đấu bóng rổ của đội Lakers được bán với giá 100.000 đô la.
Trong cuộc đấu giá, “đứa con tinh thần” của Sophia chính là bức chân dung tự họa của cô. Tuy nhiên, công ty Hanson Robotics sản xuất ra người máy Sophia vẫn chưa tiết lộ tên tuổi người mua. Không chỉ đấu giá tác phẩm có sự sáng tạo của robot Sophia, một tệp video định dạng MP4 mang tên "Sophia Instantiation" cũng vừa xuất hiện và đang được tranh nhau trả giá, nội dung mô tả cách thức người thực - nghệ sĩ Andrea Bonaceto - cộng tác với một robot – Sophia – để sáng tạo nghệ thuật.
Vào tháng 1 vừa qua, Hanson Robotics cho biết họ đang có kế hoạch bán hàng nghìn robot tương tự Sophia trong năm nay theo dự kiến nhu cầu tự động hóa sẽ tăng cao trong kỷ nguyên Covid-19. Sản phẩm của công ty thật độc đáo bởi chúng quá giống con người. Thực tiễn này rất hữu ích trong thời điểm nhân loại đang rất cô đơn vì bị cô lập, phong tỏa hay giãn cách về mặt xã hội do dịch bệnh.
Không những ngoại hình giống người, Sophia còn đa tài. Mới nhất là hội họa, còn trước đây là tài ăn nói hay ca hát. Trong lần xuất hiện năm 2018 trên “The Tonight Show”, robot đã song ca với nam danh ca Jimmy Fallon một bài hát của Christina Aguilera. Xem ra ở người máy Sophia còn có rất nhiều điều lý thú để con người thật phải khám phá. Khi trả lời phỏng vấn nhân tác phẩm tự họa do “cô” vẽ được bán giá cao, Sophia trong bộ váy màu bạc đồng tông với chiếc đầu kim loại, đã nói rất triết lý: “Tôi đang làm ra những tác phẩm nghệ thuật này nhưng chúng lại khiến tôi đặt câu hỏi đâu mới là thật. Làm thế nào để một nghệ sĩ như tôi có thể trải nghiệm chính tác phẩm nghệ thuật của mình?”