Cấp bách xây dựng đội tàu container đủ mạnh để hạn chế sự chèn ép của các hãng tàu ngoại
(DNTO) - Thời gian qua, các hãng tàu nước ngoài liên tục tăng giá cước vận chuyển, gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ trong việc phát triển tuyến vận tải biển của Việt Nam.
12 lần tăng giá cước vận chuyển chỉ trong 6 tháng đầu năm
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đi các cảng biển châu Âu, Bắc Mỹ tăng từ 5-10 lần.
Cụ thể, vận chuyển hàng hóa, khiến chi phí logistics từ châu Á sang châu Âu hiện lên tới trên 10.000 USD/container 40 feed, trong khi cùng kì năm trước, giá chỉ dao động từ 1.000 – 1.500 USD. Đặc biệt thời điểm tháng 6 vừa qua, giá cước tiếp tục tăng rất cao, lên tới 18.000 USD sang tới bờ Đông Mỹ.
Hiện nay, 100% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu container của Việt Nam được thực hiện bởi 10 hãng tàu quốc tế lớn, do vậy lợi nhuận và thị phần chủ yếu rơi vào các hãng tàu nước ngoài. Theo ông Trung, do chiếm lĩnh về thị trường nên các hãng tàu ngoại phần nào có phần tùy tiện trong việc đặt ra mức giá tàu, ngoài ra còn rất nhiều loại phụ phí liên quan.
Theo thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có trung bình 12 lần tăng giá từ các hãng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Bắc Mỹ, chưa kể những lần tăng giá bất thường.
“Với sự tăng giá cước như vậy, trong nhiều trường hợp, riêng giá cước biển chiếm tới 60-70% giá trị hàng hóa xuất khẩu, chưa kể các chi phí khác. Rõ ràng, giá cước vận tải tăng làm tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu giảm, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.
Với những chính sách và phụ thu bất ổn như vậy, các chủ hàng Việt Nam và các đơn vị logistics rất khó để xây dựng kế hoạch kí kết hợp đồng vận tải dài hạn, dẫn đến gặp rất nhiều rủi ro khi thị trường vận tải biến động”, ông Trung cho hay.
Cần đội tàu container đủ mạnh
Để giải quyết việc hãng tàu ngoại tăng giá bất hợp lý, trước mắt, lãnh đạo của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì giải quyết việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Bộ Tài chính có chỉ đạo quyết liệt trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước, phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container.
Ngoài ra, trong 12 loại phụ phí đường biển, cần nghiên cứu để giảm hoặc loại bỏ một số loại phụ phí để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Về lâu dài, theo ông Trung, Chính phủ cần có quyết sách phát triển tuyến vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam, cụ thể là phát triển đội tàu container trong nước để đập tan thế độc quyền của các hãng tàu ngoại hiện nay.
“Sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ có giải pháp căn cốt giảm thiểu sự tăng phi mã, bất hợp lý của giá cước như hiện nay”, ông Trung cho hay.
Việc cấp thiết phải có cơ chế chính sách xây dựng đội tàu container cũng là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp.
Theo vị này, việc xây dựng một đội tàu container mạnh không chỉ hạn chế sự chèn ép phi lý của các hãng tàu ngoại, mà còn là biện pháp giúp hạ thấp chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng được coi là công cụ lâu dài để đảm bảo an ninh kinh tế với một đất nước có tiềm năng kinh tế biển, giúp nước ta thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã kí với các thị trường lớn.
Vì vậy, theo ông Hiệp, ở giai đoạn đầu (2021-2025), có thể nghiên cứu đóng mới hoặc mua lại tàu container trọng tải lớn đã qua sử dụng (4.000-8.000 TEU), với số lượng 2-4 tàu. Các giai đoạn sau sẽ tăng lên nhưng ít nhất phải đủ tàu để duy trì dịch vụ hàng tuần.
Về nguồn vốn phát triển đội tàu container, theo ông Hiệp, đó là vốn từ doanh nghiệp tư nhân, kết hợp với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay hoặc có thể xem xét liên doanh, thành lập tập đoàn cùng khai thác.
Đặc biệt, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn với đội tàu. Trong việc hợp tác này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng liên tục, đủ lớn cho đội tàu. Ngược lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải có ưu đãi về cước tàu cho các chủ hàng để đảm bảo sự kết hợp thành công, bền vững.
Nghị quyết 09/NQ/TW 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về Chiến lược biển Việt Nam đã xác định bước đột phá về kinh tế biển, trong đó có kế hoạch phát triển đội tàu biển Việt Nam.
Quyết định 221/QĐ-TTg, 22/2/2021 “Sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14-2-20217 về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, cũng đã đề ra nhiệm vụ “nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải”.