Doanh nghiệp 'đau đầu' với bài toán tự chủ nguyên liệu để tái sản xuất
(DNTO) - Vấn đề cấp thiết hiện nay là các doanh nghiệp cần lên phương án để có nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch phục hồi sản xuất, đây chính là điều kiện tiên quyết để duy trì năng suất, sản lượng, đồng thời đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác.
Tuy có sự chuẩn bị từ trước, nhưng trong khó khăn chung do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không khỏi “đau đầu” về vấn đề bảo đảm nguyên vật liệu để duy trì hoạt động trong kỳ sản xuất tiếp theo.
Nhức nhối trong thời gian qua là tình trạng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam phản ánh, hiện giá thức ăn chăn nuôi quá cao, trong khi giá đầu ra đối với gia cầm luôn ở mức thấp suốt thời gian dài, khiến người chăn nuôi khó khăn, thậm chí thua lỗ.
"Cần giải ngay bài toán về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành. Nếu Việt Nam không tự chủ được về con giống, thức ăn, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững", ông Sơn khuyến cáo.
Đứng ở vị trí top 3 những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng giá trị mang lại của ngành Dệt may Việt Nam rất thấp, với tỷ suất lợi nhuận chiếm khoảng 5 đến 10%. Tồn tại nêu trên là do chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài. Do đó, khi gặp sự cố về nguồn cung, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động tiêu cực. Theo đó, để "trở lại đường đua", buộc các đơn vị dệt may phải đầu tư, chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế cho phát triển bền vững.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bài toán nguyên liệu đang khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ biết "than trời", đặc biệt là nhóm hàng tôm, cá tra, khi thời gian trả đơn hàng cuối năm đang gây áp lực. Trong khi đó hiện nay, ảnh hưởng của dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn nguyên vật liệu chỉ tạm thời đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất cầm chừng trong thời gian ngắn.
Doanh nghiệp gỗ cũng đang trong giai đoạn nước rút để trả các đơn hàng, nhưng bài toán nguyên liệu cũng khá nan giải. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết: Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nếu bị đứt gãy chuỗi sản xuất sẽ không giao hàng đúng hạn cho khách hàng, đồng nghĩa sẽ phải bồi thường hợp đồng.
Ứng phó với tình huống trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phát huy nội lực trong doanh nghiệp, đầu tư nâng cao chất lượng, chuyển đổi công nghệ sản xuất là rất cần thiết để có thể chủ động, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên, vật liệu từ thị trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, thay vì bị động bởi không nhập khẩu được nguyên, vật liệu, doanh nghiệp nên hướng đến nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề lao động, nghiên cứu tìm kiếm nguồn nguyên, vật liệu khác để thay thế và sử dụng tiết kiệm nguyên liệu.
"Trong bối cảnh giá đầu vào liên tục tăng, việc này sẽ giúp doanh nghiệp bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ giá thành ổn định để cạnh tranh. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng quan tâm nghiên cứu để cho ra mắt sản phẩm mới, hướng đến mở rộng thị trường", ông Phong cho hay.
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai cho rằng, các doanh nghiệp nên tính toán kỹ lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, từ các đơn hàng đã ký kết, doanh nghiệp tìm cách đa dạng đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào trong nước, nước ngoài để tránh lệ thuộc vào một vài thị trường, khi xảy ra bất trắc sẽ trở tay không kịp.
"Doanh nghiệp nên tăng số lượng hàng dự trữ để phục vụ cho sản xuất lâu dài, hoặc liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp khác, đề nghị họ đầu tư nhà máy chuyên sản xuất những sản phẩm đầu vào cho mình và sẽ bao tiêu sản phẩm. Cách làm này giúp các tập đoàn chỉ tập trung vào một vài khâu chủ chốt và hoàn thiện sản phẩm, giảm bớt được vốn đầu tư, nhưng vẫn có đủ vật tư để sản xuất lâu dài hoặc nâng công suất", ông Kích cho biết thêm.
Ngoài sự chủ động và tự nỗ lực thì trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện trong việc vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến, hỗ trợ về tài chính, tín dụng, giãn nộp một số loại thuế, lệ phí.