Khơi thông dòng chảy xuất khẩu cho doanh nghiệp trong giai đoạn 'nước rút'
(DNTO) - Với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường cùng nhiều lợi thế đang nắm bắt, xuất khẩu nông, lâm sản, thủy sản sẽ cải thiện trong 3 tháng cuối năm, đưa cán cân trở lại xuất siêu với kỳ vọng 44 tỷ USD trong năm 2021.
Theo số liệu công bố hôm 29/9 của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra đã "lội ngược dòng" khi đạt 994,2 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Đối với mặt hàng tôm, sau khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện "3 tại chỗ" nên có sự sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên lũy kế 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn tăng 6,5%, đạt 2,5 tỷ USD.
Cũng theo VASEP, sau một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng khá. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, phục vụ lễ hội cuối năm.
Nhìn vào những tín hiệu tương đối lạc quan này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào sự tăng tốc xuất khẩu và đổi chiều kim ngạch trong 3 tháng cuối năm.
Theo đó, để tận dụng cơ hội "vàng" này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động trong chuỗi sản xuất.
Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm phù hợp với quy định của từng thị trường, chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Bình cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm, song song mở rộng thị phần tại châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng trọng điểm sản xuất, xuất khẩu nông sản cần được tăng tốc đầu tư hạ tầng cơ sở từ giao thông, bến bãi, cảng sông, biển đến nhà xưởng chế biến, kho hàng, phương tiện vận chuyển...
Để thúc đẩy xuất khẩu, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, doanh nghiệp cần tập trung vào các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU để duy trì ổn định xuất khẩu.
Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics phát triển chính là yếu tố then chốt thúc đẩy cho “dòng chảy” hàng hóa xuất khẩu được thông suốt. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, các tỉnh thành có quy định hàng hóa lưu thông vào địa phương khác nhau, khiến đây vẫn đang là “điểm yếu” để khôi phục lại sau dịch tại ĐBSCL, muốn khôi phục thì logistics phải được thông suốt, liên vùng.
"Mỗi lần thay đổi địa điểm, lộ trình lại phải đi xin phép thì không thể nào có được lộ trình vận tải logistics xuyên suốt để “bình thường mới”. Cần thay đổi quan điểm nếu như người điều khiển phương tiện vận tải và lao động logistics đã tiêm đủ vaccine thì chỉ cần chứng nhận đó thôi, không cần xin phép gì nữa. Nếu không có nữa thì chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, đó chính là các tiêu chí an toàn mà thống nhất được tất cả địa phương trong vùng, để có thể lưu thông, hoạt động vận tải logistics liên tỉnh, liên vùng", ông Thành nói.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nhiều mặt hàng rau, trái cây. Nhưng nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún, thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới”, với nhiều rủi ro.
Theo đó, để khơi thông lại thị trường xuất khẩu trọng điểm, một loạt giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất với Chính phủ, trong đó nhấn mạnh cần sự vào cuộc phối hợp mạnh mẽ từ các bộ, ngành và các địa phương.
"Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng Bộ Ngoại giao xúc tiến thương mại, xuất khẩu đi các thị trường chủ lực, đặc biệt sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, nhất là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Đồng thời rà soát chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở các tỉnh phía Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vẫn gặp khó. Điều đó đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực khắc phục và vươn lên với sự chung tay vào cuộc, hỗ trợ một cách quyết liệt, hiệu quả từ phía các bộ, ngành chức năng. Trong đó cần đặc biệt ưu tiên các giải pháp khơi thông dòng chảy thị trường, phân phối, vận chuyển và các gói hỗ trợ bằng tài chính như miễn giảm thuế phí, lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần sớm được thực hiện.