Phát triển logistics: 'Cây đũa thần' giúp nông sản Việt thăng hạng
(DNTO) - Yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài.
Năng lực chưa đáp ứng nhu cầu
Theo nhận định của các chuyên gia, logistics nông nghiệp đóng vai trò "mạch máu" nền kinh tế trong việc nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam. Đó là chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%) và thế giới.
Đề cập đến nghịch lý này, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản nêu ví dụ, 1 kg thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không, có chi phí logistics khoảng 3,5 USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí logistics đã chiếm mất 50%. Hoặc có doanh nghiệp (DN) chia sẻ, chi phí vận chuyển 1 kg tôm lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1 kg tôm từ Ecuador về Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng khan hiếm container là bài toán đau đầu nhất với hầu hết các ngành hàng, như: gạo, thủy sản, trái cây…
Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, chia sẻ: Hiện giá container xuất khẩu thủy sản đi Mỹ tăng gấp nhiều lần so với trước, có thời điểm lên đến gần 20.000 USD/container mà cũng không dễ gì thuê được. Điều này không chỉ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là không thể hoàn thành kịp đơn hàng cho đối tác, dẫn đến tình trạng có thể mất đi một số khách hàng lớn mà doanh nghiệp đã từng mất 5 đến 7 năm để đàm phán và xây dựng.
Bên cạnh đó, kết nối hạ tầng logistics còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế cũng đang là rào cản đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 7, tháng 8 vừa qua, khi một số cảng container chính ngừng nhận giao gạo xuất khẩu; và tại cảng Cát Lái, container ứ đọng khối lượng lớn do chỉ có 50% nhân sự làm việc, đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dẫn đến tình trạng nhu cầu mua gạo của thế giới tăng mạnh, nhưng doanh nghiệp trong nước không có cách nào giao được hàng. Trong khi đó, số kho lạnh không đủ đáp ứng gây khó khăn cho bảo quản nông sản khi thu hoạch rộ, hoặc vào những thời điểm vận chuyển hàng hóa ách tắc như đang xảy ra trong đợt dịch Covid-19 lần này.
Chính từ thực trạng trên làm cho hàng hóa nông sản trong chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gánh chi phí cao, có tỷ lệ hư hao mất mát lớn. Từ đó làm tăng giá cả hàng hóa nông sản của Việt Nam lên một mức vô lý, năng lực cạnh tranh về giá bị suy giảm. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng chia sẻ: “Hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi 185 nước và vùng lãnh thổ nhưng vẫn còn nặng và không đi được xa, chi phí tốn kém”.
Giải pháp nào cho logistics Việt Nam?
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Online, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam) nhận định, logistics là một trong những yếu tố "rường cột", quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, do đó, nếu "mắt xích" này được đầu tư tốt ngay từ đầu thì sẽ giảm thiểu nhiều thiệt hại cho DN và nền kinh tế. Hệ thống logistics tốt, DN có thể sản xuất cầm chừng với nguồn nguyên liệu sẵn có, tồn trữ, tránh dồn ứ nguyên liệu và tránh thiếu hụt trong cung ứng...
"Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm chi phí logistics từ 20% xuống 16% tỷ trọng GDP và ngành logistics sẽ đóng góp 8-10% GDP thay vì như hiện nay mới đạt 4-5%. Để đạt mục tiêu, phải cải tổ đổi mới xung quanh các trụ cột, xây dựng các trung tâm logistics mang tính cạnh tranh cao", ông Phú nhận định.
Đồng thời, theo ông Phú, giải pháp gỡ điểm nghẽn logistics chính là đầu tư có trọng điểm và có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, vùng. Về lâu dài, nhà nước phải tạo quỹ đất để phát triển hạ tầng logistics, giảm bớt các thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thiểu những trục trặc trong quá trình vận chuyển, dẫn tới bị chậm hoặc tăng chi phí, làm lỡ thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp.
"Thời gian tới cần quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm...", ông Phú cho hay.
Ông Phú cũng cho rằng, logistics là một ngành nếu đầu tư phải có một nguồn vốn rất lớn, cần phải có những nguồn kinh phí hàng trăm triệu USD mới có thể tạo lập một chuỗi cung ứng lạnh hoàn chỉnh, hoặc thiết lập 1 trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản, nằm trong hệ thống các chợ đầu mối của quốc gia. Chính vì vậy, ngoài việc xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cho hệ thống logistics bằng vốn của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, còn rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách và những "vốn mồi" ban đầu cho sự phát triển một cách nhanh và bền vững