Cắt giảm 'rừng thủ tục' gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp và người dân
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.
Dịch Covid-19 đã tác động nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta, nhất là ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp (DN) và người lao động, khi chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy khiến hàng loạt DN đứng trước bờ vực thẳm. Điều các mong mỏi lớn nhất của các DN lúc này là các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp có thể chóng quay trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội, góp phần giải quyết việc làm đối với người lao động.
Với phương châm doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của công tác chống dịch, tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, ngày 26/9,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ luôn lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, cùng cả nước “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, hàng loạt các đề xuất, kiến nghị được phản ánh tới Chính phủ như: cần xác định doanh nghiệp cũng là “pháo đài” để doanh nghiệp được chủ động phòng, chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp và cho phép người lao động an toàn dịch bệnh được đi về giữa nơi làm việc và nơi ở; cho mở cửa đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có người lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine; cho phép đón khách du lịch trong nước và quốc tế, có điều kiện an toàn dịch bệnh theo phương châm “5 xanh”...
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ rào cản làm ách tắc lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương; công nhận kết quả xét nghiệm, kiểm dịch một lần, cách ly một lần đối với người di chuyển giữa các địa phương; linh hoạt trong thực hiện các quy định về chính sách nhập cảnh đối với chuyên gia; tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí; chuẩn bị mặt bằng khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới...
Đặc biệt, việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, việc cải cách hành chính một số nơi vẫn còn "nằm trên giấy", thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công, người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết. Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là do chưa thực sự có cách tiếp cận tổng thể, chưa có cách làm và công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả về chính sách và quy định không còn phù hợp.
Về vấn đề này, thay mặt cho cộng đồng Doanh nhân trẻ trên cả nước, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nêu kiến nghị:Trong các văn bản pháp luật hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ DN, các thủ tục hành chính cần tinh gọn hơn, giảm phân nửa thời gian để bù lại khoảng thời gian giãn cách. Ví dụ, thủ tục 30 ngày thì giảm còn 15 ngày.
"Các Sở, ban ngành cũng phải chỉ đạo cho nhân viên của mình thực hiện thống nhất cam kết này để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận", ông Đặng Hồng Anh bày tỏ.
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị đều cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105 để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và DN. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Trước những đề xuất, kiến nghị của hiệp hội, DN, Thủ tướng ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển. Đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần "3 không và 5 thật". Trong đó, "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật". Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới, các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn, nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công-tư để các doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... trên tinh thần những gì người dân làm được, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, thì người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các cân đối lớn, vĩ mô...
"Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn trong phòng dịch, phải thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng” ngay", Thủ tướng chỉ đạo.