7 kiến nghị 'nóng' từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đến Thủ tướng Chính phủ
(DNTO) - Thay mặt cho cộng đồng doanh nhân trẻ trên cả nước, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi 7 kiến nghị đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ngày 26/9.
Ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nhân trẻ rất chia sẻ và cảm thông với áp lực của Thủ tướng và các bộ, ban ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các địa phương với các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, 4 đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Tập hợp những kiến nghị từ cộng đồng doanh nhân trẻ trên cả nước, Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam kiến nghị một số đề xuất chính sách khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, hiện công tác xét nghiệm Covid-19 rất tốn kém. Vì vậy, đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phát trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn (100 triệu bộ với chi phí gốc khoảng 1,5 USD/bộ), giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.
Thứ hai, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá rất cao việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 14/2021, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là rất kịp thời. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết của Thông tư 14 là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ, việc này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau, đề nghị xem xét các doanh nghiệp được giãn nợ đồng loạt 6-9 tháng, không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép…
Thứ ba, kiến nghị Bộ Y tế có thể nghiên cứu thêm các bài thuốc Đông y để áp dụng trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó tận dụng nguồn dược liệu của Việt Nam.
Thứ tư, về thời gian thủ tục hành chính, để hỗ trợ và bù lại thời gian giãn cách, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chính quyền giảm ½ thời gian thủ tục hành chính hiện hành. Ví dụ, thủ tục 30 ngày thì giảm còn 15 ngày.
Thứ năm, về việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, kiến nghị mức giảm 50% đến hết tháng 6/2022 đối với thuế suất giá trị gia tăng và áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giảm giá cho khách hàng tiêu dùng. Mức giảm này là tương đối phù hợp với mức giảm quy mô ngân sách, thuận lợi cho công tác quản lý thuế và đủ lớn để có tác dụng kích cầu. Chính phủ có thể nghiên cứu gia hạn tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.
Thứ sáu, kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện một số dự án đầu tư công được thực hiện hoặc hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân do ảnh hưởng bởi Covid-19 như các dự án năng lượng… Cụ thể, một số dự án điện gió đã ký cam kết vận hành trước tháng 1/11/2021 có thể bị trễ tiến độ do gián đoạn bởi giãn cách.
Thứ bảy, đề xuất cho các hiệp hội tham gia cùng với các chuyên gia kinh tế trong các tổ tư vấn về các kế hoạch phục hồi kinh tế. Bởi các hiệp hội và các doanh nghiệp có những thông tin thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thể hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách thiết thực hơn.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có 28 năm hình thành và phát triển, với rất nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - an sinh xã hội của đất nước.
Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ trong 11 giờ đồng hồ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã huy động 5 tỷ đồng, hỗ trợ vốn cho Công ty Việt Á sản xuất kit test xét nghiệm Covid-19, phục vụ cho công tác chống dịch.
Xuyên suốt 2 năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các chi hội địa phương ở 63 tỉnh thành, các câu lạc bộ, đặc biệt Câu lạc bộ Sao đỏ đã có rất nhiều chương trình, hoạt động đóng góp, hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch: Cung cấp trang thiết bị, máy thở, test nhanh, máy PCR, xe cứu thương, thu mua nông sản cho bà con nông dân ở các tỉnh thành, chương trình hơn 100.000 suất ăn miễn phí cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu...
Đặc biệt, loạt chương trình ATM với thông điệp "An sinh – Tận tâm – Mau chóng" đã nhanh chóng được Hội Doanh nhân trẻ triển khai và hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể: ATM Gạo, ATM Oxy: Đã cung cấp gần 10.000 bình oxy loại 8L để vận hành 23 trạm ở các quận huyện tại TP.HCM, hỗ trợ điều trị cho gần 60.000 F0 tại nhà.
ATM F0 chống dịch: Đã có gần 2.000 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chương trình. Trong đó gần 1.500 F0 đã nhận bàn giao công việc với hơn 45 bệnh viện và trung tâm y tế với các nhiệm vụ hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc bệnh nhân.
ATM Túi thuốc cứu người: Đã vận động được 16.000 túi thuốc; ATM Nguồn lực tiêm vaccine: Huy động được 50 đội tiêm; ATM Hiến máu cứu người: Đến thời điểm này đã nhận được 1.500 đơn vị máu; ATM Yêu thương bảo trợ trẻ em mồ côi đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 500 em.
Tổng số tiền tài trợ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng trong 2 năm qua lên đến hơn 1,000 tỷ đồng.