Chuyên gia: Doanh nghiệp phải gắn kế hoạch phục hồi sản xuất với kế hoạch mở cửa của địa phương
(DNTO) - Trong bối cảnh nhiều địa phương đang nới lỏng giãn cách xã hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với địa phương để xây dựng kế hoạch trở lại một cách thận trọng, an toàn.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ lưỡng để tái khởi động
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, năm 2021, mặc dù dịch bệnh vẫn hoành hành, các dự báo đều hạ mức độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 0,1-0,3 điểm%, nhưng đà phục hồi vẫn rất rõ ràng. Tuy nhiên, đà phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới không đồng đều, tùy thuộc vào mức độ khống chế dịch và độ phủ quốc gia.
Trong đó, đại dịch lần này tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia ASEAN. Tại Việt Nam, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã “đánh” thẳng vào trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện tại là miền Đông Nam Bộ, miền Tây, đặc biệt là TP.HCM.
“Mỗi tháng gần 11.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động. Chưa bao giờ, trừ những năm 80, lần đầu tiên trong quý 3, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam âm. Việc bắt nhịp với đà kinh tế thế giới của Việt Nam kém đi nhiều. Nếu quý 4 quay trở lại bình thường mới, theo nghĩa sống chung với dịch, thì dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng khoảng 3-4%. Tôi cho rằng trên dưới 3%. Nhiều chuyên gia còn gắn với kịch bản xấu là trên dưới 2%... Rõ ràng đây là mức thấp so với năm ngoái”, ông Thành cho hay.
Trước bối cảnh bức tranh kinh tế không nhiều điểm sáng, TS. Võ Trí Thành cho biết, những bài học ứng phó với những tác động của đại dịch từ năm 2020 vẫn còn ý nghĩa với các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, như cần linh hoạt thị trường gắn với diễn biến dịch; chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới; đầu tư công nghệ số để cải tổ quản trị và cách tương tác với thị trường, đối tác, khách hàng; hợp tác cùng nhau trong hiệp hội để chia sẻ đơn hàng…
Ngoài ra, trong 3-4 tháng tới, ở giai đoạn chuyển tiếp và bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp ở Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM phải gắn kế hoạch phục hồi của doanh nghiệp với kế hoạch mở cửa của thành phố và địa phương ; như vậy, việc phối hợp với chính quyền địa phương để chia sẻ dữ liệu, thông tin là rất quan trọng.
Đặc biệt về vấn đề lao động, theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp hiện không chỉ dừng lại việc tạo “vùng xanh” để thu hút “lao động xanh” mà còn phải thu hút lao động quay trở lại làm việc. Bởi hiện nay, ngay cả doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với chi phí tốn kém cũng chỉ đảm bảo cho 30-50% lao động làm việc. Trong khi đó, để thu hút lượng lao động ở các địa phương quay trở lại hoạt động, ngoài vấn đề về việc đảm bảo thu nhập, việc làm, các doanh nghiệp đảm bảo việc tổ chức cuộc sống cho các lao động, đảm bảo an sinh xã hội, chưa kể việc phải đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ lao động để phục vụ cho việc cải tổ doanh nghiệp.
Cần chính sách mạnh mẽ, có chiều sâu hơn
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, phải dựa vào 4 yếu tố: Thứ nhất, khả năng khống chế dịch, đẩy nhanh tiêm vaccine. Thứ hai: Bắt nhịp với kinh tế thế giới, kinh tế toàn cầu. Thứ ba: Giải pháp hỗ trợ của Chính phủ. Thứ tư: Nỗ lực, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, hiện Chính phủ đã tung ra rất nhiều gói an sinh xã hội, các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng sự tiếp cận của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các chính sách hỗ trợ đã đủ mạnh hay chưa?
“Về quy mô, chúng ta có thể chấp nhận hơn nữa thâm hụt ngân sách, có thể chấp nhận hơn nữa việc lấy đi nguồn dự trữ ngoại tệ để chi không? Về thời gian, nếu tính cả giai đoạn bắt nhịp và phục hồi, cải tổ như vậy, thì phải tính đến việc kéo dài và mở rộng các biện pháp hỗ trợ. Các gói hỗ trợ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó, mà còn phải giúp doanh nghiệp hoặc những lĩnh vực có tác động lớn bắt nhịp với các xu thế lớn của thế giới”, ông Thành nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm Chính phủ cần có những chính sách thiết thực hơn, TS.Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho biết, thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề về quản trị tổ chức phòng chống dịch cũng như các vấn đề về dân sinh. Vì vậy, Chính phủ rất cần rút kinh nghiệm cho những chủ trương chính sách mới trong thời gian tới.
Đầu tiên phải thiết kế các chính sách thông qua việc liên kết chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực. Bởi lẽ bước vào trạng thái bình thường mới, không chỉ hồi phục về kinh tế, mà còn là hồi phục tất cả các lĩnh vực khác, do đó rất cần có sự tham vấn đồng bộ của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, cần làm rõ phạm vi quyền hạn nghĩa vụ của các cấp, tránh việc nhiều địa phương “lạm quyền”, gây khó khăn cho việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và phải có chế tài xử phạt thẳng thắn với những người cố tình gây cản trở cho việc thực hiện chính sách.
Việc những thành phố lớn như Sài Gòn, Bình Dương với số lượng người lao động nhập cư lớn cũng đặt ra yêu cầu về việc sửa đổi Luật đất đai, với những chính sách rõ ràng để giải quyết an sinh cho người lao động.